Chủ động xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia là rất cần thiết, kịp thời
Tin hoạt động 26/07/2018 16:39
Mục tiêu cụ thể
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 23-NQ/TW (Nghị quyết 23) đã nêu rõ, đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Nghị quyết chỉ rõ, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, bao gồm: Chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp; chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp…
Báo cáo tại cuộc họp ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Cục Công nghiệp nhận được Công văn số 223-CV/BCSĐ ngày 4/4/2018 của Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương và ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giao Cục Công nghiệp chủ trì triển khai thực hiện Nghị quyết 23.
Theo đó, về cơ bản các đơn vị gồm Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu đã cơ bản nhất trí với Dự thảo do Cục Công nghiệp soạn thảo. “Các Vụ, Cục đều cho rằng đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết nhưng cần phải có sự phối hợp phân công chặt chẽ của các Bộ, ngành có liên quan để thực hiện Nghị quyết số 23 một cách hiệu quả”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
Góp ý và tiếp tục triển khai
Tại cuộc họp Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc chủ động xây dựng Chương trình hành động Nghị quyết 23 là rất cần thiết và kịp thời. Theo định hướng chung của Nghị quyết, chính sách công nghiệp quốc gia là một bộ phận hữu cơ của chiến lược, chính sách phát triển đất nước, gắn liền với chính sách phát triển các ngành kinh tế khác. Chính vì vậy, tất cả các đơn vị thuộc Bộ có liên quan đến ngành công nghiệp đều phải triển khai thực hiện Nghị quyết.
Với yêu cầu của của Thứ trưởng, Cục Công nghiệp, đơn vị chủ trì cho biết, Cục đang triển khai rà soát, lựa chọn một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo hướng phải đáp ứng các nguyên tắc là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng. có tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác; sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế.
Ông Trần Việt Hòa- Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cũng thẳng thắn chia sẻ, cần thiết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan làm cơ sở để triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, tránh việc chồng chéo nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành. Đơn cử như chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp: Đây là nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ, không thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương.
“Bộ Công Thương không có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Đối với cụm liên kết công nghiệp, đề nghị cân nhắc do khái niệm này chưa được đề cập trong các bản quy phạm pháp luật. Bộ Công Thương chỉ có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp (không đồng nhất với khái niệm cụm liên kết công nghiệp)”, ông Trần Việt Hòa lý giải.
Đại diện Vụ Kế hoạch cũng nêu quan điểm, theo Luật Quy hoạch mới, hiện nay Quy hoạch phát triển công nghiệp không được thực hiện riêng mà sẽ là một nội dung được tích hợp trong Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì… Nên việc triển khai Nghị quyết 23 theo đúng hướng, cần thiết phải có sự vào cuộc của các Bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp triển khai thực hiện rõ ràng.
Nhằm xây dựng các mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết 23, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thống nhất các nhiệm vụ và phương án triển cụ thể. “Quan trọng là các đơn vị triển khai phải chủ động bám vào nội dung Nghị quyết 23, với 7 nội dung chiến lược, triển khai theo lộ trình có đề xuất cụ thể, sát với mục tiêu của đề ra của Nghị quyết”, Thứ trưởng lưu ý.
Thứ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Cục Công nghiệp, Vụ kế hoạch là đơn vị đầu mối cùng với Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương chủ trì triển khai thực hiện Nghị quyết 23. “Đồng thời, tiếp tục chủ động phối hợp với với các Cục, Vụ liên quan triển khai định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 một cách hiệu quả”, Thứ trưởng nhấn mạnh.