CôngThương - Kính thưa đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ!
Kính thưa các đồng chí Phó Thủ tướng!
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo các bộ, ngành!
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Chúng tôi cho rằng việc tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn hiện nay là rất thiết thực, bổ ích, góp phần quan trọng tăng niềm tin cho doanh nghiệp. Năm nay các báo cáo của Hội nghị được chuẩn bị rất chu đáo, chúng tôi tán thành cao đối với các nội dung và đề xuất được nêu tại các báo cáo của Hội nghị ngày hôm nay, cụ thể:
Thứ nhất, báo cáo tổng kết chung thực sự có tính bao quát; Bên cạnh đó, 6 báo cáo chuyên đề đều là các nội dung đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và nghiêm túc.
Thứ hai, chất lượng các báo cáo so với kỳ họp năm ngoái đã tốt hơn hẳn thể hiện qua việc các báo cáo đã điểm lại rất đúng và trúng những nội dung mà Hội nghị ngày hôm nay đang thực sự quan tâm đề cập. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất phấn khởi với nội dung được nêu tại 03 dự thảo văn kiện quan trọng đó là Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2013-2015, Chỉ thị về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015, Quyết định về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước; Trong đó, có những nội dung chúng tôi cho là thực sự mang tính đột phá.
Kính thưa Thủ tướng và các quý vị đại biểu!
Với tư cách là một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối lớn luôn tiên phong triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ trong hoạt động tái cơ cấu, nhân Hội nghị hôm nay, tôi xin phép báo cáo ngắn gọn kết quả tái cơ cấu của BIDV, cụ thể như sau:
Thứ nhất, BIDV đã hoàn thành nhiệm vụ cơ bản nhất là cổ phần hóa tất cả các công ty từ công ty bảo hiểm, chứng khoán và ngân hàng thương mại. Riêng ngân hàng thương mại BIDV đã thực hiện IPO từ tháng 12 năm 2011 và ngày 24 tháng 01 vừa qua chúng tôi cũng đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, đánh dấu mốc chính thức trở thành công ty đại chúng niêm yết. Câu chuyện BIDV niêm yết trên sàn HOSE có thể nói là 1 sự thành công tại thời điểm đó, cụ thể: (i) Nếu như trước thời điểm BIDV niêm yết, các cổ phiếu ngành ngân hàng chào sàn đều giảm giá thì giá cổ phiếu của chúng tôi đã tăng 0,5%; (ii) Khối lượng giao dịch cổ phiếu BID chiếm khoảng 12% khối lượng giao dịch của toàn sàn; (iii) Qua 9 phiên giao dịch, BID luôn là cổ phiếu dẫn dắt thị trường, đặc biệt khối lượng thanh khoản qua 9 phiên rất cao, thấp nhất thì cũng là 01 triệu cổ phiếu/phiên và cao nhất là 8,4 triệu cổ phiếu, điều đó khẳng định BID có tính thanh khoản tốt trên thị trường.
Thứ hai, trong những năm qua BIDV đã không ngừng tăng cường năng lực tài chính đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững. Hiện nay, vốn chủ sở hữu của BIDV đạt khoảng 28 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 9 nghìn tỷ chỉ sau 3 năm.
Thứ ba, BIDV đã kiểm soát được nợ xấu và tính thanh khoản của hệ thống. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nợ xấu của BIDV giảm dần qua các năm từ chỗ 2,94% và hiện nay ở mức hơn 2,3%.
Thứ tư, BIDV tập trung tái cấu trúc lại nền khách hàng; Đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ với các sản phẩm, dịch vụ tiện ích với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp, hiện đại.
Thứ năm, BIDV luôn quan tâm tái cơ cấu nguồn nhân lực, cụ thể: tiết giảm việc tuyển dụng mới, chỉ tập trung tuyển dụng theo vị trí công việc. Theo đó, tỷ lệ tăng biên chế giảm dần từ chỗ bình quân 10% từ năm 2011 trở về trước nhưng trong 3 năm trở lại đây chúng tôi gắn việc sắp xếp nguồn nhân lực với tăng trưởng lao động hợp lý, bình quân khoảng hơn 3%.
Kính thưa Thủ tướng và các quý vị đại biểu!
Đó là một số kết quả nổi bật toàn hệ thống BIDV đã đạt được. Đối với tình hình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về kết quả của chặng đường tái cơ cấu trong 3 năm qua, các báo cáo đã nêu, ngoài ra cũng còn một số điểm nổi bật chưa được nêu trong báo cáo. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tổng số DN chúng ta đã sắp xếp được 6.376 doanh nghiệp trong đó cổ phần hóa được 3.659 doanh nghiệp, chuyển thành công ty TNHH một thành viên 1.033 doanh nghiệp, giao chủ quản 222 doanh nghiệp và bán 158 doanh nghiệp. Sau quá trình sắp xếp, đổi mới, số DN 100% vốn Nhà nước đã giảm từ 5.655 DN năm 2001 xuống còn 1.254 DN; DNNN đã và đang được sắp xếp theo hướng Nhà nước nắm giữ ở một số lĩnh vực như: cung ứng dịch vụ thiết yếu, trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng, an sinh, xã hội, các sản phẩm công ích và các ngành, lĩnh vực liên quan thì chúng tôi thấy rằng tiến độ sắp xếp thì khoảng 80 % doanh nghiệp sau sắp xếp kinh doanh có lãi và khối DNNN vẫn đóng góp ~32% thu NSNN và tạo ra khoảng 30% GDP giai đoạn 2012-2013.
Thứ hai, kết luận số 50/KL/TƯ ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định doanh nghiệp Nhà nước lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong Hiến pháp mới xác định kinh tế nhà nước là kinh tế chủ đạo nhưng trong Nghị quyết, trong Chỉ thị và trong chỉ đạo thì đâu phải kinh tế Nhà nước chỗ nào cũng là chủ đạo mà phải tùy theo ngành nghề, tùy theo lĩnh vực cụ thể. Chúng tôi thấy đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu để có định hướng đúng.
Thứ ba, chúng tôi thấy, tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành TW Đảng (khóa XI) ngày 18/10/2011, trong Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 v/v “Phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020” và trong Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 đã được ban hành theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đã xác định 5 yêu cầu, chỉ đạo chính về tái cơ cấu DNNN: (i) Rà soát, bố trí lại hệ thống DNNN; (ii) Thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính; vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối; (iii) Tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý; (iv) Tái cơ cấu tập đoàn, TCTNN toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề kinh doanh, chiến lược phát triển, thị trường... (v) Hoàn thiện thể chế chính sách. 5 vấn đề này đã được nêu rõ trong thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính Phủ cũng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014 là thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là cổ phần hóa. Chúng tôi nhận thấy đây là nhiệm vụ trọng tâm rất trúng và đúng.
Tuy nhiên, những hạn chế trong tiến trình tái cơ cấu DNNN có thể nhận thấy là:
Một là, nội dung tái cơ cấu DNNN mặc dù được tích cực triển khai song còn tương đối chậm so với yêu cầu, chưa có chiến lược, cách thức thực hiện còn rời rạc nên kết quả còn nhiều hạn chế, thể hiện qua một số điểm sau:
(i) Tốc độ cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN giảm đáng kể trong giai đoạn này. Nếu giai đoạn 2001-2011 có 3.000 DN CPH thì giai đoạn 2011-2013, tổng số DN sắp xếp là 180 DN, CPH 99 DN, đặc biệt, hai năm 2012 và 2013, con số DN CPH chỉ là 87. Đây áp lực rất lớn so với mục tiêu phải CPH được 432 DNNN giai đoạn 2014-2015. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do: thứ nhất, một số cơ chế gây vướng mắc và chưa làm rõ. Ví dụ, việc đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp nhưng mà cách tính toán như thế nào? theo khung giá nhà nước? có tính lợi thế thương mại? bởi vì Thủ tướng đã nói theo nguyên tắc thị trường thì phải tính cả lợi thế thương mại; thứ hai, câu chuyện xác định giá trị thương hiệu, phương thức xác định như thế nào? chúng tôi thấy rằng đây là giá trị vô hình nên việc tính toán như thế nào cũng gây lúng túng trong quá trình thực hiện.
(ii) Công tác tái cơ cấu nguồn vốn và thoái vốn đầu tư ngoại ngành là một yêu cầu cấp bách song tiến độ triển khai chậm, khó khả thi theo tiến độ đến năm 2015 nếu không có sự thay đổi về tư duy và cách thức thực hiện. Nguyên nhân theo tôi là do: thứ nhất, sự chậm trễ và lúng túng trong xây dựng và phê duyệt các Đề án thoái vốn của các DNNN; phần lớn các đề án chúng ta phê duyệt là trong năm 2013 trong nội dung đó thì có nội dung thoái vốn nên chúng ta cũng chậm; thứ hai, cản trở lớn từ yêu cầu bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư trong bối cảnh TTCK không thuận lợi, chúng tôi cũng rất quyết tâm trong quá trình thoái vốn nhưng phải gắn với nhiệm vụ bảo toàn vốn, bởi thoái vốn mà dưới giá trị sổ sách là không đạt, cho nên cũng vẫn còn tồn tại tâm lý e ngại; thứ ba, khó khăn và lúng túng trong việc tìm đối tác để thoái vốn trong bối cảnh thị tường ảm đạm, chưa khởi sắc; thứ tư, quy định về thoái vốn còn phân tán, chưa bao quát hết sự đa dạng của các loại vốn cần thoái và không phù hợp với thị trường; thứ năm, xử lý tình trạng sở hữu chéo dưới nhiều hình thức chưa có chuyển biến mạnh, ví dụ một khách hàng vay ngân hàng đem cổ phiếu của một ngân hàng khác đến thế chấp nhưng không trả được nợ thì khi xử lý tài sản bảo đảm đương nhiên ngân hàng này không phải là người sở hữu chéo nhưng tự nhiên thành sở hữu chéo, đó là thực tế khách quan nên hướng dẫn quy định sở hữu chéo như thế nào thì còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Đây là những áp lực khiến vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính khó khả thi, không hiệu quả.
(iii) Việc xây dựng, triển khai đề án tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý còn chậm trễ, chưa có chuyển biến về chất: Việc phân tách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích chưa rõ ràng, minh bạch; DN không thuộc diện nhà nước cần chi phối có tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước trên 51% vốn điều lệ còn cao; Các chính sách với các DN trong lĩnh vực công nghiệp quan trọng như công nghiệp cơ khí, CNTT, Công nghệ cao, CN chế tạo, công nghiệp phụ trợ chưa được hoàn thiện và ban hành; Cơ chế hỗ trợ, đảm bảo cho các DNNN được giao hoạt động trong lĩnh vực cần thiết, thiết yếu của nền kinh tế song có mức sinh lời thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không có khả năng tham gia vẫn chưa được đầy đủ. Ví dụ những doanh nghiệp công ích, những DN vùng sâu vùng xa phải được vay vốn để phát triển hoạt động nhưng do bản chất sinh lợi thấp, tài sản đảm bảo khó nên phần lớn khó tiếp cận vốn ngân hàng. Việc tái cơ cấu thời gian qua phần lớn tập trung ở những doanh nghiệp lớn và có hoạt động thua lỗ như Vinashin, Vinalines nhưng còn các DN khác chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn.
Hai là, xét về hiệu quả KT- XH, mặc dù quá trình sắp xếp, đổi mới và CPH DNNN đã đem lại một số kết quả tích cực song những điểm chưa tích cực của DNNN mà xã hội đều có thể nhìn nhận đó là hiệu quả chưa tương xứng với vị trí và kỳ vọng của xã hội: Theo báo cáo của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư, hệ số ICOR của DNNN vẫn cao và cao vượt trội so với DN ngoài quốc doanh, điều này bản thân DN chúng ta cũng phải suy nghĩ. Thứ hai là mặc dù đóng góp của khu vực DNNN trong GDP chỉ khoảng 32% song sử dụng đến 60% tổng tín dụng của nền kinh tế; đây cũng là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ. Năng suất lao động và sức cạnh tranh của các DNNN nhìn chung thấp và suy giảm; nợ đọng tích tụ của DNNN đã lên tới 145.000 tỷ đồng, dự báo trong đó 20-30% là nợ không thể hoàn trả trong khi đó 60% dư nợ tín dụng đổ vào các đơn vị này thì nó cũng ảnh hưởng đến ngân hàng. Đây cũng là vấn đề cần xem xét.
Để đạt được mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ đề ra đối với tái cơ cấu DNNN và nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhân Hội nghị này, cho phép tôi được đề xuất một số nội dung sau:
Thứ nhất, theo Dự thảo Nghị quyết của Chính Phủ, nếu không thoái được vốn đến 2015 thì phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và phải báo cáo Thủ tướng, báo cáo lại Bộ Chính trị, trong tình hình hiện nay thì điều đó là rất khó vì theo nguyên tắc thị trường sẽ có 2 trạng thái xảy ra: Thứ nhất là với những doanh nghiệp có đầu tư ngoại ngành nhưng thua lỗ thì ứng xử như thế nào? Thứ hai là với những doanh nghiệp có đầu tư ngoại ngành hiệu quả thì ứng xử như thế nào? Những vấn đề này, chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu và đề xuất cụ thể hơn.
Nhiệm vụ là phải thoái nhưng không phải thoái bằng mọi cách và câu chuyện thoái dưới giá trị sổ sách, thoái dưới mệnh giá nhưng trên nguyên tắc bù đắp được giá trị dự phòng thì quan điểm của chúng tôi cũng đồng ý. Đó là cách thoát ra khỏi lo lắng của DN nhưng phải có lộ trình điều kiện cụ thể. Ví dụ như của BIDV có hai DN thì chúng tôi thực hiện theo nhiệm vụ được giao gồm Công ty CP Thủy điện Việt Lào và Công ty CP Cho thuê máy bay đang hoạt động rất hiệu quả. Bây giờ thoái vốn thì phải tìm đối tác. Thoái vốn thì có DN dưới mệnh giá thì chúng tôi sẽ trích dự phòng nhưng với Công ty CP Cho thuê máy bay với tỷ suất lợi nhuận năm ngoái là 18% và ROA là 12% thì có phải thoái vốn không?
Thứ hai, chúng tôi thấy kết luận số 50 ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI có nêu: tăng cường lãnh đạo của Đảng trong việc sắp xếp, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhưng cho đến nay cũng chưa có hướng dẫn, chúng tôi cũng lúng túng. Vậy những DN cổ phần hóa thì vai trò lãnh đạo của Đảng như thế nào và tham gia ra sao trong quá trình này cũng chưa thấy nói đến.
Thứ ba, quy định ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn thì chúng tôi hoàn toàn thống nhất nhưng ở đây chưa khớp giữa dự thảo Nghị quyết, Chỉ thị và Quyết định. Ngân hàng chúng tôi theo quyết định phê duyệt thì Nhà nước duy trì sở hữu 65% trở lên nhưng trong dự thảo Quyết định thì chúng tôi lại thuộc đối tượng trên 50% đến 65%. Nội dung này chúng tôi cũng xin đề nghị Thủ tướng như sau: Với hệ thống Ngân hàng thì chỉ để lại một số ngân hàng Nhà nước như NH Chính sách, NH Phát triển, NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, còn lại các ngân hàng đã cổ phần hóa rồi thì nên duy trì tỷ lệ có sở hữu của Ngân hàng Nhà nước với lộ trình sau: ngay sau việc chào sàn niêm yết lần đầu thì có thể là ở mức 65% còn sau đó kỳ kế hoạch có thể giảm xuống 51-55%, bản chất vẫn là Nhà nước chi phối. Chúng tôi tha thiết đề nghị bởi vì nó tạo tính hấp dẫn cho các Nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, chúng tôi phấn khởi với dự thảo các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị đặc biệt là chỉ đạo giao các Bộ/Ngành hoàn thiện các thể chế, cơ chế chính sách có liên quan đến việc tái cơ cấu DN. Tôi đề nghị thực hiện điều đó một cách bình đẳng, giao cho DN Nhà nước, Đảng ủy khối DNTƯ cùng các Tập đoàn, Tổng công ty phối hợp cùng thực hiện. Bởi vì chúng tôi vừa là đối tượng, vừa là chủ thể trực tiếp tham gia trong hoạt động và thực thi các cơ chế chính sách này, như vậy sẽ tránh được tình trạng khi văn bản ban hành ra rồi thì không đi vào cuộc sống, không đi vào thực tiễn nhưng để sửa được thì mất rất nhiều thời gian và kéo dài quá lâu.
Trong quý 1 năm nay, tôi đề xuất cần có những hội thảo do các Bộ/Ngành chủ trì để xây dựng các quy định, thể chế, cần có các hội thảo thảo luận và trao đổi thống nhất với khối DN Nhà nước để chúng tôi có điều kiện tham gia cho sát thực tế.
Bất cứ chế độ nào đều có vai trò kinh tế Nhà nước nhưng vai trò kinh tế Nhà nước trong điều kiện kinh tế của chúng ta là phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN thì cụ thể là cái gì? Cũng xin phép đề nghị Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức hội thảo để cho rõ vấn đề này. Tôi còn nhớ năm ngoái chúng tôi đã làm được nhiều việc nhưng chỉ vì một vài Tập đoàn TCT có hoạt động yếu kém mà cuối cùng thì cứ bị đánh hết, tràn lan và đi đâu cũng bị coi như “vi trùng”. Chúng tôi thấy rất buồn. Thiết nghĩ, về vai trò của DNNN, Chính Phủ đánh giá đúng, Quốc hội cần phải ghi nhận, đồng thuận đánh giá, tránh tình trạng do một số trường hợp vi phạm thì quy chụp cả hệ thống. Tất nhiên chúng ta không thể hoàn hảo được nhưng ai làm chưa đúng thì phải sửa và cái đúng thì phải ghi nhận.
Thứ năm, ở chúng ta, cái gì cũng là theo nguyên tắc thị trường nhưng tiền lương là không theo thị trường. Lương của Chủ tịch tập đoàn tối đa là 36 triệu, chúng tôi chưa hiểu cơ sở của việc xác định mức khung trên, trong khi đó nếu theo nguyên tắc thị trường thì người lao động và người quản lý phải được hưởng lương theo năng suất lao động, đấy là nguyên tắc tối thượng. Thu nhập kiểu này không sống được cũng phải sống vì dù sao thì cũng hơn công chức nhà nước, nhưng chưa phù hợp và chưa sát thực tế, chưa tạo thành động lực. Cần nghiên cứu sửa đổi theo nguyên tắc thị trường về thu nhập tiền lương của DNNN.
Thứ sáu, theo lộ trình thì kết thúc năm 2015 chúng ta chỉ còn 485 DN do NN sở hữu 100%, cùng với tiêu chí phân nhóm lại có khoảng hơn 1.000 DN thì ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý. Người thì bảo Bộ quản lý, người bảo Ủy ban, Cục nằm trong Bộ Tài chính. Vấn đề này, đề nghị Chính Phủ chỉ đạo có nghiên cứu rõ và cũng nên khảo sát kinh nghiệm ở một số nước.
Thứ bảy, về việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, có thể mở room lên 60-65%. Dự thảo lần đầu cho DN mở room mạnh hơn nhưng chưa có quyết định phê duyệt của Thủ tướng. Chúng tôi mong rằng Thủ tướng sớm quyết định để mở room cho Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng vốn đầu tư, như vậy, có thể kích hoạt và làm nóng được thị trường chứng khoán, từ đó bất động sản và kéo theo nhiều ngành khác cũng tốt lên.
Thứ tám, ngoài Đề án của NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, đề nghị NHNN sớm phê duyệt một số đề án của các Ngân hàng khác về việc sắp xếp tái cơ cấu các tổ chức tín dụng có sở hữu Nhà nước chi phối trong quý 1 năm nay để chúng tôi có cơ sở triển khai thực hiện.
Cuối cùng xin cảm ơn Thủ tướng. Kính chúc Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Lãnh đạo các Bộ, ngành sức khỏe. Kính mong các bộ, ngành hết lòng giúp đỡ DN phát triển.
Xin cảm ơn!
Nam Hải