Sắp diễn ra lễ công bố PCI và PGI 2023 Quảng Ninh 7 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI Chỉ số PCI: Ghi nhận sự cải thiện của địa phương đứng cuối bảng xếp hạng |
11 năm thuộc nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc
Trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố vào sáng 9/5, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu Chỉ số PCI với 71,25 điểm, đồng thời dẫn đầu chỉ số PGI.
Với việc dẫn đầu PCI năm 2023, Quảng Ninh đã có thành tích 7 năm dẫn đầu PCI và có 11 năm liên tiếp trong nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu tại lễ công bố |
Báo cáo PCI năm 2023 cũng ghi nhận, Quảng Ninh ghi dấu ấn rõ rệt trong việc giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, khi chỉ số thành phần Chi phí thời gian đạt 8,54 điểm, cao nhất cả nước. Cùng với đó, chỉ số thành phần Hỗ trợ doanh nghiệp đạt 7,72 điểm, đứng thứ 2 toàn quốc. Tỉnh Quảng Ninh còn đứng thứ 3 cả nước về nỗ lực cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, với chỉ số thành phần Chi phí không chính thức đạt 7,72 điểm.
Chia sẻ tại lễ công bố PCI năm 2023, ông Cao Tường Huy – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Theo công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vào tháng 4/2024, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu Chỉ số SIPAS và PAR INDEX năm 2023. Trong đó, SIPAS là chỉ số mang tính định hướng của việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và PAR INDEX là Chỉ số cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
“Như vậy, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã có 5 năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019 - 2023); 6 năm dẫn đầu Chỉ số PAR INDEX (2017 - 2020 và 2022 - 2023). Hôm nay, tại Lễ công bố Chỉ số PCI 2023, tỉnh Quảng Ninh tục được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá là địa phương giữ vị trí quán quân về Chỉ số PCI và Chỉ số PGI năm 2023” – ông Cao Tường Huy chia sẻ và cho rằng: Kết quả trên tiếp tục khẳng định sự hội tụ niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và là phần thưởng từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với những nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh.
Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân PCI năm 2023 |
6 kiên trì giúp Quảng Ninh dẫn đầu PCI
Cũng theo ông Cao Tường Huy, để đạt được kết quả trên, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực, bền bỉ thực hiện 6 kiên trì.
Thứ nhất, kiên trì đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp, tinh gọn tổ chức bộ máy, trong sạch vững mạnh, kiến tạo, hành động, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đổi mới quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch; nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh trách nhiệm; nâng cao năng lực quản trị phát triển bền vững địa phương với các trụ cột: Kinh tế - xã hội, môi trường và an ninh.
Thứ hai, kiên trì xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu các cấp, các ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu công tác.
"Địa phương cũng luôn đề cao và thực hành văn hoá phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành lẽ tự nhiên, là bổn phận, trách nhiệm, được dẫn dắt, định hướng, định hình và lan tỏa bởi sự nêu gương, làm gương của người đứng đầu qua hành động thực tế, “nhiệt huyết và truyền lửa”, sâu sát cơ sở, nắm chắc thực tế, nói đi đôi với làm, nói lời thật, làm việc thật, đạt hiệu quả thật; kiên định niềm tin, khiêm tốn, cầu thị, gian khổ phấn đấu, chăm chỉ cần cù làm việc, tận tâm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và xã hội" - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm
Thứ ba, kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng những quyết sách chính trị đổi mới mạnh mẽ. Trong đó, năm 2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”; đặc biệt tại Đại hội XV nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định đưa mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về 4 Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI vào Nghị quyết Đại hội và ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Tỉnh ủy “về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”;…
Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh năm 2023 |
Thứ tư, kiên trì nỗ lực, tự lực, tự cường thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược, tạo đột phá về tốc độ phát triển các hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, hội nhập phát triển; về chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục, đào tạo; xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn.
Thứ năm, kiên trì xây dựng văn hóa đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo không gian mở, thân thiện; nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền và người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết: Với phương châm cùng chung tay, cùng thắng (win-win), cùng phát triển: Quảng Ninh luôn quan tâm chú trọng đồng hành cùng doanh nghiệp làm cho tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành lẽ tự nhiên, bổn phận, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức; tạo nên những không gian mở, thân thiện, tăng độ tương tác giữa chính quyền và người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thứ sáu, tỉnh Quảng Ninh kiên trì mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới phù hợp thực tiễn phát triển địa phương phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số toàn diện; mở rộng sự kết nối, trao đổi thông tin, tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp với người dân và doanh nghiệp. Từ đó, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.