Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam). Ảnh tư liệu
CôngThương - Họa sĩ Phan Kế An sinh năm 1923, quê gốc Sơn Tây, Hà Nội. Cha ông là quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại dưới triều vua Bảo Đại. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông Phan Kế Toại được cử giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Phan Kế An được biết đến là một họa sĩ tài hoa, cây bút phê bình hội họa sâu sắc. Nhắc đến tên ông, người ta nhớ đến những tác phẩm sơn mài nổi tiếng Nhớ một chiều Tây Bắc, Hà Nội tháng 12 năm 1972, nhớ đến bức chân dung đầu tiên vẽ Bác Hồ được đăng trên báo Sự thật tháng 12/1948, đến những bức tranh cổ động, ký họa, biếm họa nổi tiếng được lưu giữ trân trọng ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hay các bảo tàng ở nhiều nước trên thế giới…
20 tuổi tìm đến với cách mạng, hơn 70 năm cầm cọ vẽ - người họa sĩ từng may mắn được sống bên cạnh Bác Hồ, giờ ở cái tuổi gần 90 họa sĩ Phan Kế An đã gắn bó thấm thía qua từng bước chuyển mình của dân tộc. Dù giờ bệnh tim, mắt mờ, tai nghe không còn rõ nhưng trong ông cảm xúc về những ngày Cách mạng Tháng Tám ở Thủ Đô vẫn còn lại với dư âm tươi mới, vẫn vẹn nguyên hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình sáng 2/9/1945…
“Chưa bao giờ chứng kiến một sự kiện tác động mãnh liệt đến thế…”
“Tôi vẫn nhớ buổi sáng mùa thu, trời nắng rực, tôi đi cùng mấy anh em trường Mỹ thuật như Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên, Kim Đồng…. Chúng tôi đi qua Bộ Ngoại giao, thì trông thấy bác sĩ Lê Văn Chánh - người sau này là bác sĩ riêng của Bác Hồ đang ngồi túc trực phía cửa, đề phòng có người say nắng hoặc có vấn đề gì thì sơ cứu ngay.
Khi đi thì đông đủ cả nhóm mấy anh em nhưng đến gần quảng trường Ba Đình, người đông quá, chặt như nêm và rồi lạc nhau. Chỗ nào cũng thấy người dân ồn ào và phỏng đoán không biết Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không. Bởi trước khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, người dân nhận được nhiều truyền đơn ký tên Nguyễn Ái Quốc. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng nhân dân rất đặt niềm tin vào Nguyễn Ái Quốc.
Trong giấc mơ về buổi sáng lịch sử, Phan Kế An thấy mình như đang bồng bềnh trong biển người, bên tai văng vẳng tiếng hô vang của hàng vạn người: “Việt Minh muôn năm!”, “Cách mạng Tháng Tám thành công muôn năm!”… “Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một sự kiện có khả năng tác động mãnh liệt đến con người đến thế”, ông tiếp lời mà đôi mắt rực sáng.
“Bác Hồ khiến tôi hết sức ngạc nhiên và cảm động”
“Cách lễ đài 30-40 mét, tôi lần đầu trông thấy Bác Hồ. Bác Hồ vận bộ đồ kaki màu cỏ úa, cổ áo cài kín kiểu Tôn Trung Sơn. Dáng Bác hao gầy, da sạm có lẽ vì mới trải qua cơn sốt rét trên Tân Trào, Tuyên Quang.
Họa sĩ Phan Kế An giờ ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc về buổi sáng mùa thu lịch sử (Ảnh: Nguyễn Hằng)
Người họa sĩ già vẫn nhớ chất giọng xứ Nghệ của Bác. Có lẽ e giọng nói của mình khiến đồng bào nghe không rõ nên đọc đến đoạn tố cáo tội ác của phát xít Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay khiến hai triệu người Việt Nam chết đói, Bác bỗng dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Cả biển người đồng thanh trả lời “có”!
“Tôi đã hết sức ngạc nhiên và cảm động trước câu hỏi của Bác. Tôi không ngờ một ông Chủ tịch nước mà gần gũi nhân dân đến thế. Cách Bác nói, hỏi cũng rất tự nhiên”, ông tiếp lời. Đây là lần đầu tiên, Bác tiếp xúc trước đông đảo công chúng và đây cũng là lần đầu tiên Phan Kế An nhìn thấy Bác Hồ.
“Trong tuần lễ văn hóa, cựu hoàng Bảo Đại có mặt ở Hà Nội và cũng đi chơi quanh Bờ Hồ. Tôi có mời ông ấy vào vẽ nhưng khi thấy tôi vẽ tranh biếm họa thì… Bảo Đại “chuồn””, Phan Kế An hài hước nói.
Quay trở lại buổi sáng se se lạnh, Bác Hồ đến thăm triển lãm. Bác Hồ đi xem hết lượt các bức tranh, đi sau có các họa sĩ như Phan Kế An, Sỹ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung…, đến tranh vẽ thiếu nữ của Nguyễn Gia Trí, Bác Hồ có dừng lại nói một câu mà cho đến giờ Phan Kế An vẫn nhớ mãi: “ Sáng tác hội họa cũng nên đi sát thực tế hơn. Đời sống thực không phải những cô tiên như thế này”.
(Ảnh chụp lại)
Tay run run lật tìm bức tranh chân dung được Bác Hồ ưng ý nhất để in báo và sau này đăng trên báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) số tháng 12/1948, họa sĩ Phan Kế An bộc bạch: “Tôi về báo Sự thật từ năm 1947. Tháng 11/1948, nhận được lệnh của Tổng bí thư Trường Chinh, người trực tiếp phụ trách báo: “Sáng mai anh lên đường sang ở với Cụ một thời gian để vẽ Cụ ở mọi tư thế, bằng mọi chất liệu”. Từ khi nhìn thấy Bác ở quảng trường Ba Đình cho đến khi sống một thời gian bên cạnh, tôi nhận ra mình đã từng cảm nhận sai về Bác”
Ông đưa ra dẫn chứng, trong cuộc đời mình, ông từng tiếp xúc và ở cùng với nhiều vị cấp cao, dù gần gũi thế nào thì vẫn có khoảng cách, không thể quá thân thiết, bỗ bã được. Ông đã nghĩ chắc Bác cũng sẽ đối xử với mình như thế. Nhưng thật không ngờ, Bác đối với ông gần gũi, tình như cha đối với con đồng thời lại thân mật, giản dị như hai đồng chí gặp nhau.