TTCK thiếu vốn để mua hết lượng cổ phần của các DNNN cổ phần hóa |
Nguồn tiền trong nước không đủ
Nhận định tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2015 vừa qua, ông Nguyễn Kiên - đại diện Nhóm công tác thị trường vốn VBF - cho rằng, mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, song thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang đi thụt lùi nếu so sánh với các nước ASEAN. Ví dụ, Việt Nam với 91 triệu dân nhưng mức vốn hóa TTCK chỉ khoảng 46 tỷ USD (tương đương 25% GDP). Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 69 triệu dân nhưng mức vốn hóa tới 418 tỷ USD (112% GDP), gấp 9 lần Việt Nam; Phiplippines 184 tỷ USD (65% GDP), cao gấp 4 lần Việt Nam…
Chuyên gia VBF nhận định: TTCK Việt Nam hiện tại không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa. Theo tính toán của VBF, tổng giá trị cổ phần hóa của các DNNN trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỷ USD. Nếu Chính phủ chỉ dự kiến bán ra thị trường 15% thị trường sẽ cần 3,75 tỷ USD. “Nguồn tiền trong nước chắc chắn không đủ. Việt Nam đang rất cần vốn ngoại để mua lượng cổ phần đó” - ông Kiên đánh giá. Tuy nhiên, từ ngày 1/1- 19/5/2015, hai sàn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mới hút được khoảng 118,3 triệu USD.
Quốc tế hiến kế
Để đẩy mạnh và phát triển TTCK Việt Nam, Nhóm công tác của VBF đề xuất một số giải pháp. Trong đó, nhằm tạo thanh khoản tốt cho TTCK, Chính phủ nên bán 25-30% cổ phần của DN được cổ phần hóa thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp. Mặt khác, muốn hút được vốn ngoại vào TTCK, Chính phủ sớm thông qua Nghị định 58/2012/NĐ-CP sửa đổi, theo đó, sẽ cho phép tăng sở hữu nước ngoài thông qua việc xóa bỏ hạn chế tỷ lệ sở hữu 49% áp dụng đối với các công ty đại chúng hiện nay.
Đồng thời, các chuyên gia kiến nghị, Chính phủ sớm thành lập Quỹ hưu trí tự nguyện nhằm tạo thêm nguồn cầu cho thị trường tài chính nói chung và cổ phần hóa nói riêng. Ông Kiên nhấn mạnh, quỹ này sẽ trở thành nguồn tiền lớn đầu tư vào trái phiếu chính phủ, giúp giảm tỷ trọng đầu tư của các ngân hàng thương mại vào trái phiếu chính phủ. Báo cáo của VBF cho hay, hệ thống ngân hàng thương mại đang nắm giữ 83% tổng lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành tính tới thời điểm cuối năm 2014.
Trao đổi về vấn đề này tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - cho biết, Việt Nam đang quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, đi kèm với niêm yết. Về đề xuất cho phép bán 25- 30% cổ phần của DN được cổ phần hóa, Bộ trưởng đề nghị nhóm công tác của VBF nghiên cứu và làm rõ tỷ lệ này xác định trên cơ sở số vốn DN hay trên số vốn cổ phần chào bán.
Liên quan tới việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua tăng sở hữu, được biết, hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định 58/2012/NĐ-CP sửa đổi, trong đó có vấn đề nới lỏng tỷ lệ sở hữu theo cam kết WTO.
Về Quỹ hưu trí tự nguyện, Bộ trưởng Tài chính cho hay, hiện dự thảo Nghị định về Quỹ hưu trí tự nguyện đã xong giai đoạn lấy ý kiến, đang hoàn thiện và sẽ sớm trình Chính phủ để ban hành.
Để đẩy mạnh và phát triển TTCK Việt Nam, theo Nhóm công tác của VBF, Chính phủ nên bán 25- 30% cổ phần của DN được cổ phần hóa thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp. |