Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương: Động lực tăng trưởng từ thị trường nội địa Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương: Sửa đổi Luật Điện lực là yêu cầu cấp thiết |
Chiều ngày 23/10, thông tin tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2024, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết: Trong 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), Bộ Công Thương theo dõi 2 mảng xuất khẩu và tiêu dùng. Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng những tháng cuối năm, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 7% theo yêu cầu của Chính phủ.
Cũng theo nhận định của đại diện Bộ Công Thương, tình hình phát triển sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024 tương đối khả quan. Nhận định khả quan đó xuất phát từ những điểm chính như: Nỗ lực của chính chúng ta về thúc đẩy đầu tư công, các dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng kể cả giao thông vận tải và năng lượng… đã trực tiếp hỗ trợ sản xuất và qua đó phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, các nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ, các chính sách tài khoá, tiền tệ đã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, thị trường thế giới đã có chuyển biến tích cực hơn, lãi suất giảm đi, nhu cầu đầu tư và tiêu dùng tăng lên. Đó là cơ hội cho nền kinh tế có độ mở cao, xuất khẩu nhiều.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi họp báo thường kỳ quý III/2024, thông tin về tình hình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Cấn Dũng |
Ngành Công Thương cũng đã bám sát 2 động lực tăng trưởng là xuất khẩu và tiêu dùng. Trong mảng xuất khẩu, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và đặc biệt là đẩy mạnh chương trình xuất khẩu chính ngạch, bên cạnh khai thác các thị trường chính. Tương tự như vậy, Bộ Công Thương sẽ đàm phán, ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhằm tạo khung khổ pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại tại các thị trường nước ngoài. Bộ Công Thương đã chỉ đạo trực tiếp Cục Phòng vệ thương mại, các Thương vụ, các Vụ thị trường nỗ lực triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại trong nhiều năm qua.
Giải pháp tiếp theo là triển khai các công cụ, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, tiếp cận thị trường. Cụ thể, hàng tháng, tổ chức giao ban với toàn bộ Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tất cả các doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương đều tham gia để cập nhật thông tin về thị trường, ngành hàng.
"Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định công nhận 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia năm 2024. Đây là nỗ lực bền bỉ suốt 20 năm thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia để giúp cho doanh nghiệp xây dựng, củng cố và quảng bá thương hiệu”, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính bày tỏ.
Liên quan đến thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiến hành các chương trình khuyến mại, trực tiếp tổ chức các hội chợ, triển lãm để thúc đẩy tiêu dùng.
Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công Thương phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Cấn Dũng |
Bên cạnh khuyến khích hỗ trợ phát triển, Bộ Công Thương cũng luôn kèm theo các công cụ kiểm tra giám sát, để đảm bảo luật cạnh tranh, bảo về quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại truyền thống và thương mại số.
"Các công cụ này không chỉ bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng mà còn bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất chân chính, nhờ vậy sản xuất và tiêu dùng phát triển”, ông Bùi Huy Sơn nói.
Trước đó, cũng chia sẻ tại buổi họp báo, ông Bùi Huy Sơn cho hay: Tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tăng 9,59% so với quý III/2023.
Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (GDP 9 tháng ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,11%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,83%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,01%, làm giảm 0,22 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đã làm đứt mạch tăng trưởng sản xuất sau 5 tháng tăng liên lục, khiến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm (đạt 47,3 điểm so với mức 52,4 điểm của tháng 8). Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (chỉ số IIP) trong tháng 9/2024 có sự giảm nhẹ so với tháng trước (giảm 0,2%).
Tuy nhiên, nhờ đà phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp trong những tháng vừa qua nên chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 9/2024 vẫn tăng tới 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội, Bộ Công Thương đưa ra nhiều giải pháp giúp ngành thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024. Trong đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đưa các dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.