Duyên nợ với nghề y
Trong những ngày rong ruổi giữa vùng lòng hồ Hòa Bình, phóng viên Vuasanca được gặp bác sỹ Phạm Trọng Tươi, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình – người có 22 năm thăm khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bà con người dân tộc thiểu số nơi đây.
Bác sỹ Tươi tự tay chèo thuyền giữa lòng hồ để thăm khám bệnh nhân |
Một ngày làm việc của bác sỹ Tươi bắt đầu từ lúc 5h sáng, đi xe máy vượt 40km đường rừng quanh co, dốc ngược từ nhà vào Trạm Y tế xã Vầy Nưa. Suốt 22 năm nay, hình ảnh người bác sỹ hiền lành, cần mẫn đó đã in sâu vào trí nhớ của biết bao thế hệ người dân vùng lòng hồ Hòa Bình này.
Nhấp ngụm trà nóng đầu Xuân, Bác sỹ Tươi kể: “Tôi quê gốc ở Thái Bình nhưng theo gia đình lên Hòa Bình sinh sống từ nhỏ, vốn ước mơ làm thầy giáo nên năm 1997 tôi theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. Tuy nhiên, do gia đình không chuyển được hộ khẩu nên phải bỏ giữa chừng để chuyển sang học trường Trung cấp Y Hòa Bình. Có lẽ, đó cũng là bước ngoặt, là cái duyên tôi bén với nghề y”.
Bác sỹ Tươi vốn ước mơ làm thầy giáo nhưng lại bén duyên với nghề y |
Theo bác sỹ Tươi, năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y Hòa Bình, được phân về xã Vầy Nưa công tác (xã đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc). Sau đó, anh vừa công tác vừa đi học tại Đại học Y Thái Nguyên để nâng cao trình độ. Khi đó, xã Vầy Nưa chưa có đường ô tô, chưa có điện… muốn đến xã phải ngồi thuyền máy, chạy dọc lòng hồ Hòa Bình mới tới nơi.
Những cung đường quanh co, dốc ngược mà Bác sỹ Tươi phải di chuyển hàng ngày để thăm khám cho bà con |
Kể về những khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh ở vùng lòng hồ Hòa Bình, bác sỹ Tươi cho biết, xã Vầy Nưa có 8 bản nằm rải rác ở các triền núi ven hồ, trong đó bản Mó Lẻ cách xa trung tâm xã 20km nên phải đi bộ cả ngày mới tới nơi. Tuy đã ở Hòa Bình từ nhỏ nhưng khi lên tới xã vùng cao như Vầy Nưa thì mới cảm nhận hết được sự thiếu thốn, vất vả của bà con, cùng cái đói, cái nghèo đeo bám quanh năm.
“Trong một đêm vào năm 2005, do chưa có đường bộ nên các cán bộ trực ở Trạm phải dùng thuyền xuôi lòng hồ để đưa người bệnh đi cấp cứu ở bệnh viện huyện Đà Bắc. Khi đang đi, thuyền không may mắc vào lưới, anh em phải thuê thuyền khác đưa bệnh nhân xuống viện, sau đó quay lên đã là 3h sáng nên đành phải ngủ trên thuyền giữa lòng hồ Hòa Bình”, bác sỹ Tươi nhớ lại.
Bác sỹ Tươi chuẩn bị áo phao, đồ đạc lên thuyền đi thăm khám cho các hộ nuôi cá lồng giữa lòng hồ Hòa Bình |
Người “bác sỹ của nhân dân”
Chị Hà Thị Thu Huyền (Trạm y tế xã Vầy Nưa) chia sẻ, ở vùng lòng hồ Hòa Bình mọi thứ đều thiếu thốn. Người dân sống ở các bản chủ yếu là người Mường, Dao… Bao năm sống ở miền núi, mỗi khi bị bệnh chỉ biết nhờ thầy cúng, thầy mo để “cúng vái, chữa bệnh”. Đa phần phụ nữ thường sinh con ở nhà, hiếm khi ra bệnh viện.
Bác sỹ Tươi lấy tấm lòng chân thành của mình khám, chữa bệnh cho bà con xã Vầy Nưa nên được gọi là “bác sỹ của nhân dân” |
Do đó, các y, bác sỹ ở Trạm Y tế xã Vầy Nưa phải tuyên truyền, vận động, từng bước thuyết phục người dân đưa phương pháp điều trị đến với bà con, gặp rất nhiều khó khăn. Giống như một cán bộ dân vận phải vượt suối, băng rừng, ăn ở cùng nhân dân mới tạo được niềm tin với đồng bào.
Trong suốt 22 năm ở vùng lòng hồ Hòa Bình, bác sỹ Tươi dần hiểu phong tục tập quán của đồng bào và coi mình là con em dân tộc từ lúc nào không hay. Ngoài công tác khám chữa, bệnh, anh cùng các y, bác sĩ của Trạm còn tích cực vận động bà con thay đổi nếp sống như không nhốt trâu bò dưới gầm nhà sàn, phụ nữ không sinh đẻ tại nhà…
Bác sỹ Tươi đi thuyền đến khám bệnh cho bà con vùng lòng hồ |
Bác sỹ Tươi lấy tấm lòng chân thành của mình đến với bà con nên được gọi là “bác sỹ của nhân dân”. Mỗi khi ở bản có em bé bị sốt cao, hay cụ già đau yếu, bất kể ngày đêm anh đều tận tình vượt đường xa đến với bà con kịp thời. Nhiều chị em lúc trở dạ sinh khó, anh không nề hà vượt suối băng rừng lên giúp, thậm chí tự tay lái thuyền, lênh đênh giữa lòng hồ đến thăm khám cho các hộ dân; gõ cửa từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động bà con ăn chín, uống xôi, ngủ có màn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
Suốt 22 năm, Bác sỹ Tươi đi gõ cửa từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động bà con ăn chín, uống xôi, ngủ có màn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ |
Anh Xa Văn Long (xã Vầy Nưa) xúc động nói: “Người dân lòng hồ chúng tôi cảm ơn bác sỹ Tươi và các cán bộ y tế nhiều lắm, ai cũng nhiệt tình, chu đáo… nhờ có trạm y tế, có bác sỹ mà chúng tôi được khám bệnh, cấp thuốc thường xuyên. Có hôm ở lại đây còn được các bác sỹ nấu cơm mời ăn cùng, coi nhau như người nhà, ruột thịt vậy”.
Ông Xa Văn Si, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa thông tin, đầu năm 2000, ở các xã vùng cao Đà Bắc mới bắt đầu chiến dịch tiêm chủng các bệnh lao, sởi, viêm não Nhật Bản… nhưng bị nhiều gia đình phản đối vì con em họ đang khỏe mà bác sỹ lại bảo đi tiêm. Khi đó, chính quyền xã phối hợp với trạm y tế, các trưởng bản phải giải thích, vận động cả một thời gian dài bà con mới dần tin. Nhờ đó mà con em địa phương đã được tiêm chủng đầy đủ.
Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa đánh giá, sự nhiệt tình, nỗ lực cố gắng của Bác sỹ Tươi suốt 22 năm qua đã giúp bà con trong xã thay đổi nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt là chiến dịch tiêm chủng suốt 10 năm của xã hoàn thành có sự đóng góp rất lớn của Trạm Y tế, trong đó có Bác sỹ Tươi, góp phần đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội trên địa bàn.