Hàng Tết đua nhau lên kệ phục vụ người dân Hòa Bình Hòa Bình: “Đụng lợn Tết”, nét đẹp cổ truyền của bà con xứ Mường Hòa Bình: Chính thức khai hội chùa Tiên năm 2024 |
Canh rừng xuyên Tết
Dịp đầu năm mới, phóng viên Vuasanca được cùng tổ tuần tra của Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có mặt tại khu rừng già thuộc xóm Nghẹ (xã Vạn Mai). Đây là nơi mà lâm tặc thường xuyên “nhòm ngó” vì có nhiều cây gỗ lớn, sản vật quý hiếm với diện tích rộng trên 3.000 ha.
Tổ tuần tra của Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu giữa khu rừng già xã Vạn Mai |
Để đến được trung tâm khu rừng này, chúng tôi phải vượt con đường đá cheo leo dốc ngược, dài chừng 2 km. Ghi nhận của phóng viên, hai bên đường là bạt ngàn rừng xanh, toàn những cây gỗ lớn, cỡ chừng 4 - 5 người ôm.
Quá trình tuần tra khó khăn, vất vả vì con đường đá cheo leo, dốc ngược, hiểm trở |
Ông Khà Văn Du (Tổ bảo vệ rừng xóm Nghẹ, xã Vạn Mai) chia sẻ: “Tôi là người thường xuyên tuần tra trực tiếp tại khu vực này, kể cả trong dịp Tết, cứ rảnh là tôi lại lên canh rừng xem vấn đề gì không vì lâm tặc thường lợi dụng dịp lễ, Tết để tranh thủ “hành nghề”. Thông thường, mỗi Tổ bảo vệ rừng có 5 người (mỗi xã có 1 Tổ bảo vệ), hàng tuần thay phiên nhau tuần tra, mỗi tháng vài lần. Khi có sự việc là các Tổ lập tức lên đường làm nhiệm vụ”.
Có những hôm tuần tra phải ăn, ngủ lại rừng 1 - 2 ngày là chuyện bình thường |
Theo ông Du, dịp lễ Tết là thời điểm "gồng mình" nhất của những người làm công tác bảo vệ rừng bởi lực lượng mỏng, nhiều thành viên trong tổ bảo vệ phải đi chúc Tết. Ngoài ra những hôm mưa bão, việc kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình toàn núi đá, trơn trượt, vô cùng nguy hiểm… có những chuyến tuần tra phải ngủ lại rừng 1 - 2 hôm là chuyện bình thường.
Còn anh Bùi Văn Việt, Kiểm lâm viên - Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu thông tin, khu rừng xã Vạn Mai giáp ranh Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (tỉnh Thanh Hóa), có nhiều cây gỗ lâu năm, giá trị như: Nghiến, Xà Bùng, Chò Nhai… cùng nhiều động vật hoang dã nên công tác bảo vệ rừng ở đây luôn được quan tâm, ưu tiên hàng đầu.
Anh Việt cho biết, các tổ bảo vệ rừng trên địa bàn thường xuyên phối hợp lực lượng kiểm lâm, công an xã… để nắm tình hình thực tế. Lên phương án phòng cháy chữa cháy rừng, tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ, phát triển rừng; hướng dẫn từng hộ cách dọn thực bì, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp… Từ đó, ý thức bảo vệ, phát triển rừng của người dân được nâng cao. Nhiều nơi không có hiện tượng phá rừng, săn bắn động vật hoang dã.
Tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân
Ông Vì Anh Quang, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu cho biết, vào mùa mưa, sương mù dày đặc, tầm nhìn bị ảnh hưởng gây khó khăn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Có những lúc nghe thấy tiếng máy cưa nhưng tầm nhìn bị hạn chế, không xác định được vị trí và hướng máy cưa hoạt động.
Khu rừng ở xã Vạn Mai giáp ranh Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (tỉnh Thanh Hóa) còn nhiều cây gỗ lâu năm, giá trị cao |
Bên cạnh đó, nhiều khi kiểm lâm phụ trách những xã vùng sâu, vùng xa khi tuần tra rừng không có sóng điện thoại, điều kiện sinh hoạt, đi lại khó khăn. Có tình huống phải mật phục ban đêm tại những điểm hay xảy ra vi phạm, đối mặt trực tiếp với những đối tượng có sử dụng vũ khí, đe doạ tấn công rất nguy hiểm.
Những bữa cơm tạm giữa rừng của tổ bảo vệ rừng xóm Nghẹ, xã Vạn Mai |
Theo ông Quang, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu hiện đang quản lý hơn 40.000ha rừng, trong dịp Tết, đơn vị đã chỉ đạo các Tổ bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, rà soát, duy trì chế độ trực nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố xảy ra đối với rừng. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm địa bàn còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đến người dân, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng nói chung và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nói riêng.
Thành viên tổ bảo vệ rừng xóm Nghẹ, xã Vạn Mai kiểm tra cây gỗ Chò Nhai |
Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu đánh giá, Hòa Bình là tỉnh có diện tích rừng lớn, nhận thức về bảo vệ rừng của một bộ phận người dân còn hạn chế nên đó là thách thức trong công tác bảo vệ rừng. Tuy lực lượng còn mỏng, hoạt động phân tán nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao, hệ thống Kiểm lâm từ tỉnh đến huyện, xã đã tập trung, thống nhất thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng. Bằng tình yêu với nghề, bản lĩnh trong nghiệp vụ, lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn đã tạo dựng được niềm tin với nhân dân trong việc giữ gìn “lá phổi” xanh của đại ngàn Tây Bắc.