Doanh nghiệp sản xuất thép trước thách thức CBAM của châu Âu EU hướng dẫn triển khai cơ chế điều chỉnh cacbon biên giới (CBAM) |
Ông Mã Khai Hiền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm năng lượng (Enerteam). |
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU là một chính sách thương mại về môi trường bao gồm các khoản thuế được áp đối với hàng nhập khẩu từ các nhà sản xuất đặc biệt sử dụng nhiều carbon. Đây được coi vừa là rào cản nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với ông Mã Khai Hiền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm năng lượng (Enerteam).
Thưa ông, CBAM sẽ có những tác động như thế nào đối với các doanh nghiệp Việt Nam?
Để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng carbon “0” vào năm 2050, các nước châu Âu (EU), Mỹ đã ban hành và sẽ áp dụng CBAM đối với một số mặt hàng nhập khẩu, riêng Mỹ áp dụng với cả các nhà sản xuất trong nước.
Theo đó, ngày 11/3/2021, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua CBAM và sẽ có hiệu lực từ năm 2026. EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu thông qua thực hiện cơ chế CBAM.
CBAM sẽ áp giá carbon cho hàng nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính của quy trình sản xuất. Bước đầu đối tượng áp dụng là hàng hóa của các ngành: Điện, sắt thép, phân bón, nhôm và xi măng.
Cuối năm 2025, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá CBAM đang hoạt động như thế nào, và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp” và chính thức, CBAM có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Khi CBAM đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu các sản phẩm này của EU sẽ cần phải xin phép từ CBAM và mua giấy chứng nhận carbon với giá tương ứng như hàng hóa sản xuất tại EU.
Giá trị của chứng nhận dựa vào giá tín chỉ phát thải carbon hàng tuần của Hệ thống giao dịch phát thải (ETS). Mức thuế phụ thuộc vào hàm lượng phát thải trong sản xuất cũng như chênh lệch giá carbon theo ETS của EU và giá tại nước sản xuất.
Vậy CBAM sẽ có tác động như thế nào đến tỷ trọng, giá trị xuất khẩu của sản phẩm sắt thép, nhôm của Việt Nam trong thời gian tới vào EU?
Với cơ chế CBAM, hiện các sản phẩm sắt thép, nhôm, phân bón và xi măng sẽ chỉ còn thời gian 3 năm trước khi CBAM chính thức áp dụng (1/1/2026) để chuyển đổi sản xuất từ “nâu” sang “xanh” hoặc sẽ phải chịu một mức thuế carbon theo quy định của CBAM khi xuất khẩu vào EU. Từ 1/10/2023, các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu vào EU gồm: Sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón sẽ phải thực hiện Báo cáo kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất, thực hiện các giải pháp giảm phát thải; tuy nhiên cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là ngành thép với gần 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào EU (năm 2022).
Những khó khăn của doanh nghiệp thép Việt Nam trong lộ trình tuân thủ CBAM có thể kể đến như: Nhận thức và năng lực thực hiện đánh giá kiểm kê phát thải khí nhà kính; rào cản công nghệ do còn lạc hậu, chưa hiệu quả năng lượng… Đồng thời, lộ trình thực hiện giảm phát thải không chỉ đòi hỏi đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nhân lực mà còn đòi hỏi sự nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và nguồn lực sẵn có để đầu tư hoặc được tiếp cận hỗ trợ tài chính - đây cũng chính là khó khăn cho các ngành công nghiệp khác…
Chắc chắn rằng, CBAM sẽ là một trong những hàng rào kỹ thuật cho các ngành công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới. Khi đó, sẽ có nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng và không đáp ứng đủ điều kiện, trong đó có sản phẩm sắt thép, nhôm tác động đến tỷ trọng và giá trị xuất khẩu của các ngành này.
Để ngành thép thực hiện sản xuất xanh, theo ông cần phải có những bước đi như thế nào?
Để thích ứng với thị trường xuất khẩu các nước EU và Mỹ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi cách thức và hướng đi kịp thời để tuân thủ các quy định mới của nước sở tại và phát triển bền vững. Phải có sự chuẩn bị và chủ động như: Nâng cao nhận thức, năng lực trong việc thực kiểm kê khí thải nhà kính và thực hiện các giải pháp giảm phải bằng nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động và huy động các nguồn hỗ trợ bên ngoài gồm: Hỗ trợ kỹ trong việc đánh giá, lập các báo cáo về phát thải và xây dựng lộ trình giảm phát thải; tiếp cận các công nghệ mới, áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) để ngành thép có mức tiêu hao năng lượng, mức phát thải thấp; tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính trong việc nâng cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị,… ưu tiên đến tiêu chí hiệu quả năng lượng, giảm phát thải CO2.
Đối với cơ quan quản lý, cần sớm ban hành ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn liên quan đánh giá Hiệu suất năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải. Đồng hành cùng nhà máy, ngành xây dựng lộ trình giảm phát thải một cách hợp lý. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận trong việc nâng cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị…
Xin cảm ơn ông!