Theo ghi nhận của phóng viên Vuasanca
, hiện nay, tại khu vực đê Yên Nghĩa, đoạn qua sông Tả Đáy (quận Hà Đông, Hà Nội), đã xuất hiện 3 điểm sụt lún, có nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Trong đó, đoạn đê từ vị trí K22+300 đến K22+350 bị hư hỏng nặng nhất, buộc chính quyền phải lập rào chắn, cấm các phương tiện giao thông lưu thông qua đoạn đê này.
Để đảm bảo an toàn, trên toàn bộ 3 điểm đê bị sụt lún, các đơn vị liên ngành đã tiến hành kiểm tra, rà soát, thông tin rộng rãi để người dân nắm được tình hình, đặt biển cảnh báo các phương tiện không đi qua khu vực xảy ra sự cố sụt lún. Lực lượng liên ngành của địa phương cũng đã tạm cấm lưu thông từ Quốc lộ 6 lên đê Tả Đáy, cấm ô tô có trọng tải từ 1,25 tấn trở lên và xe ô tô 16 chỗ trở lên.
Mặc dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều xe trọng tải lớn vẫn thường xuyên đi qua các đoạn đê đang bị sụt lún. Riêng tại khu vực 100m, đê bị sụt lún nghiêm trọng có hàng rào chắn, các phương tiện buộc phải chuyển hướng đi xuống dưới đường ven chân đê. Tuy nhiên, do tuyến đường này nhỏ, lượng phương tiện lưu thông lớn nên thường xuyên xảy ra ách tắc.
Hiện tại, trên tuyến đê Yên Nghĩa, chính quyền đã đặt 19 biển cấm. Ngoài ra, UBND quận Hà Đông cũng đã có văn bản yêu cầu phường Yên Nghĩa phối hợp với UBND huyện Hoài Đức, Hạt quản lý đê số 14 khẩn trương xử lý sự cố.
Được biết, những năm qua, đoạn đê tả sông Đáy qua địa phận phường Yên Nghĩa đã được nâng cấp ở nhiều vị trí, tuy nhiên, vẫn có nhiều đoạn xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Ở vị trí giao với Quốc lộ 6, do đường hẹp, nên trên tuyến đường đê này thường xảy ra ách tắc giao thông. Trên mặt đường đê tiết diện khá hẹp, mặt đường lại gồ ghề, nhiều ổ gà, ổ voi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông rất cao.
Người dân sống tại khu vực quanh đê cho biết, đây không phải là lần đầu tiên đê Yên Nghĩa xảy ra sự cố sụt lún này. Riêng trong năm 2024, đã có hai lần tuyến đê này xảy ra hiện tượng sụt lún, sạt lở, buộc cơ quan chức năng phải cắm biển cảnh báo.
Cũng theo người dân, việc nhiều xe có trọng tải lớn lưu thông qua con đê này mỗi ngày là một trong những nguyên nhân khiến tuyến đê bị xuống cấp nhanh chóng.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại tuyến đê Yên Nghĩa:
|
Cách đoạn đê sụt lún hơn 1km, chính quyền phường Yên Nghĩa đã cho lắp đặt biển cấm các phương tiện lưu thông trên mặt đê. Ảnh: Phong Lâm |
|
Đoạn đê tả sông Đáy qua địa phận phường Yên Nghĩa (còn gọi là đê Yên Nghĩa) có 3 điểm sụt lún. Tại các điểm này, chính quyền đều cắm biển cảnh báo. Ảnh: Phong Lâm |
|
Tại 2 điểm sạt lở nhẹ hơn, chính quyền đã cho đóng cọc, đắp đất, chèn bao đất để gia cố thân đê. Ảnh: Phong Lâm |
|
Tuy nhiên, việc gia cố thân đê như thế này vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Ảnh: Phong Lâm |
|
Tại khu vực 100m đê bị sụt lún nghiêm trọng nhất, chính quyền đã dựng rào chắn ngăn không cho các phương tiện đi qua. Ảnh: Phong Lâm |
|
Tại khu vực này, nhiều đoạn đường đã bị sụt xuống rất sâu so với trước kia, tạo thành bậc, gây khó khăn cho việc lưu thông. Ảnh: Phong Lâm |
|
Mặt đường đê gồ ghề, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Phong Lâm |
|
Ông Nguyễn Duy Tiến, một người dân sống tại Tổ 1, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông cho biết, tình trạng đê bị sụt lún đã xảy ra nhiều lần. Việc nhiều xe có trọng tải lớn lưu thông qua con đê này mỗi ngày là một trong những nguyên nhân khiến tuyến đê bị xuống cấp nhanh chóng. Ảnh: Phong Lâm |
|
Những chiếc xe có trọng tải lớn vẫn vô tư lưu thông qua đoạn đê bị sụt lún. Ảnh: Phong Lâm |
|
Tại khu vực đê hư hỏng nặng và chính quyền dựng rào chắn, các phương tiện buộc phải đi xuống con đường chân đê. Tuy nhiên, do đường nhỏ hẹp nên thường xuyên xảy ra ách tắc. Ảnh: Phong Lâm |