Thưa ông, du lịch Việt Nam đã mở cửa toàn diện, cơ hội để phục hồi ki nh doanh trong lĩnh vực này đang rất lớn, song sẽ không ít khó khăn. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam |
Như chúng ta đã thấy, hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát, du lịch là ngành kinh tế bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Đến nay du lịch mở cửa lại toàn bộ hoạt động là dấu mốc quan trọng để ngành này có thể phục hồi và phát triển trong giai đoạn mới. Đón đầu cơ hội này, nhiều hoạt động liên tiếp được triển khai, như Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2022 (VITM Hà Nội) sự kiện xúc tiến du lịch lớn nhất cả nước trở lại, tạo sân chơi và hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị cho mình một hành trang để “hồi sức” sau cú sốc dịch Covid-19.
Tuy vậy, cơ hội luôn đan xen thách thức. Du lịch Việt Nam đang bộn bề các khó khăn, bởi hai năm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã phá sản, một số doanh nghiệp trụ vững thì nguồn lực cũng suy giảm; và ngay khi bước vào giai đoạn đón khách, nhiều dịch vụ, sản phẩm mới chưa thể hoàn thiện; đội ngũ nhân sự thiếu hụt, nhân lực mới thì thiếu chuyên nghiệp… đã ảnh hưởng lớn đến hành trình tour, trải nghiệm của khách hàng. Vì thế, để có thể đón khách, các doanh nghiệp lữ hành hầu như phải làm lại từ đầu, như đi khảo sát, đánh giá dịch vụ để xây dựng chương trình, sản phẩm phù hợp cho từng thị trường.
Du lịch cộng đồng kỳ vọng phát triển đột phá |
Các chuyên gia nhận định, nhu cầu thị trường đang thay đổi, thiên về xu thế du lịch xanh, trải nghiệm văn hóa, chăm sóc sức khỏe, theo ông, sau dịch bệnh hiện trạng của dòng sản phẩm này có đáp ứng được nhu cầu của du khách không?
Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, dòng sản phẩm này đã có sự phát triển khá mạnh mẽ, là một trong các dòng sản phẩm chủ lực của du lịch Việt Nam, góp phần làm thay đổi diện mạo, phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều vùng miền khó khăn. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo, khu vực nông thôn mang tới thời cơ lớn cho phục hồi ngành du lịch, khi du khách có xu hướng tìm kiếm những điểm đến mới, vắng người, trải nghiệm không gian văn hóa nguyên sơ, tìm hiểu các phong tục, tập quán truyền thống; hòa mình cùng cuộc sống thực tế sản xuất của người dân… Vì thế, đây có thể nói là thời điểm vàng cho du lịch cộng đồng, sinh thái của Việt Nam phát triển và có bước đột phá.
Nhưng, do gián đoạn bởi dịch Covid-19 nên nhiều điểm đến, mô hình làng du lịch cộng đồng, sinh thái cơ sở hạ tầng xuống cấp, một số mô hình cạn vốn để đầu tư làm mới dịch vụ; đặc biệt do đây là dòng sản phẩm đưa cộng đồng vào tham gia khai thác, vận hành nên còn nhiều bất cập trong khi đòi hỏi của du khách về dịch vụ ngày càng cao. Để giải quyết các tồn tại, rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các công ty, doanh nghiệp lữ hành.
Được biết, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã xây dựng và tư vấn cho rất nhiều bản làng trên cả nước làm du lịch, thời gian tới Hội có kế hoạch gì để sản phẩm này đón sóng cơ hội phục hồi?
Thời gian qua, Hội đã hỗ trợ, triển khai và đưa vào hoạt động nhiều mô hình du lịch cộng đồng như: Làng Ta Lang của Quảng Nam; bản A Nor, A Lưới (Thừa Thiên Huế), làng du lịch Kon Kơ Tu (Kon Tum), bản Tả Kố Khừ, Mường Nhé (Điện Biên), làng du lịch cộng đồng tại Nguyên Bình (Cao Bằng).
Với mục tiêu hướng tới tư vấn và xây dựng nhiều hơn nữa những ngôi làng du lịch đạt chuẩn để tạo ra những sản phẩm mới và bền vững cho du lịch Việt Nam, từ đó góp phần bảo vệ những giá trị văn hóa, giá trị cộng đồng, bảo vệ và khai thác môi trường và thiên nhiên một cách hiệu quả, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam tiếp tục triển khai một số dự án làng du lịch cộng đồng ở miền Trung, miền Nam. Đặc biệt, hội sẽ chú trọng kết nối, liên kết với doanh nghiệp để các mô hình du lịch cộng đồng có thể đón được nhiều thị trường khách tiềm năng…
Xin cảm ơn ông!