CôngThương - Tại hội thảo về các giải pháp giảm tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc diễn ra ngày 2-4, ông Lương Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm lao động nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho hay tình trạng người lao động tại Hàn Quốc bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng lao động luôn đứng ở mức cao trong vài năm qua.
Từ cuối năm 2010 đến nay, số lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc luôn ở mức gần 50%, có thời điểm lên đến 57%, cao gấp đôi so với mức trung bình của 15 nước tham gia chương trình EPS (Chương trình phái cử và tiếp nhận người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc). Tỷ lệ này trong tháng 10-2013 giảm xuống còn 38,2%, nhưng tháng 11-2013 lại tăng lên 42,5% và đến tháng 1-2014 tăng đến 49%.
Nếu không có những biện pháp quyết liệt hơn từ cơ quan chức năng hai nước nhằm giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn thì rất có thể người lao động Việt Nam sẽ không còn cơ hội tiếp cận thị trường này.
Cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký kết Bản Ghi nhớ đặc biệt nối lại chương trình EPS cho 3 nhóm đối tượng đặc biệt. Tuy nhiên, hạn ngạch cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2014 sẽ không nhiều.
Đồng thời, theo yêu cầu của phía Hàn Quốc, cuối tháng 11-2014, trước khi Bản Ghi nhớ đặc biệt hết hiệu lực, căn cứ vào tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, hai bên sẽ xem xét tiếp tục hay không việc ký Bản Ghi nhớ bình thường về chương trình EPS như những năm trước đây.
“Đây sẽ là một thiệt hại rất lớn về kinh tế, trước đây mỗi năm có khoảng 8.000 đến 12.600 người lao động mới từ Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc nhưng trong năm 2013, chỉ có 2.740 người được đưa đi,” ông Long nói.
Ông Choi Byung Gie, Giám đốc Chương trình EPS Việt Nam, cho hay hiện số lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc còn khoảng 14.000 người, chiếm 40% tổng số lao động cư trú bất hợp pháp của 15 nước phái cử.
“Vì vậy, chúng tôi tự hỏi liệu người lao động có sợ những biện pháp mà phía Việt Nam đưa ra?” ông Choi Byung Gie đặt câu hỏi.
Ông Choi Byung Gie lấy ví dụ, người lao động sẵn sàng mất số tiền đặt cọc 100 triệu đồng vì họ cho rằng chỉ sau 3 tháng làm việc tại Hàn Quốc là có thể gỡ lại được số tiền đó.
Theo ông Choi Byung Gie, chỉ tiêu lao động nước ngoài mà phía Hàn Quốc tiếp nhận năm 2014 là 53.000 người và việc phân chỉ tiêu cho mỗi nước phụ thuộc vào tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của nước đó, mức độ hài lòng của các nhà tuyển dụng Hàn Quốc…. Đồng thời, ông Choi Byung Gie nói: “Chúng tôi chờ đợi những biện pháp mạnh tay từ chính quyền Việt Nam”.
Có mặt tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Nguyễn Thanh Hòa cho hay, kể từ năm 2008 đến nay Việt Nam đã thực hiện rất nhiều biện pháp từ kinh tế, hành chính, tuyên truyền…nhưng kết quả không cải thiện nhiều.
“Tôi đã báo cáo Chính phủ rằng những kết quả đạt được chỉ là bước đầu và còn rất nhiều khó khăn phía trước và tình huống xấu nhất là thị trường này đóng cửa (đối với lao động Việt Nam),” ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng kiến nghị với phía Hàn Quốc nên phối hợp với Việt Nam bằng việc chuyển số tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động trị giá hơn 5.000 đô la Mỹ về Việt Nam thay vì trả bên Hàn Quốc nhằm giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn.