Gạo là 1 trong mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang UEMOA
CôngThương - Không gian đồng franc châu Phi
Khu vực đồng franc được xem là không gian kinh tế, tiền tệ và văn hóa độc đáo trên thế giới. Khu vực này tập hợp 14 nước châu Phi cận sa mạc Sahara bao gồm 8 nước Tây Phi thuộc Liên minh Kinh tế, tiền tệ Tây Phi- UEMOA (Benin, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Guinée Bissau, Mali, Niger, Senegal và Togo), 6 nước Trung Phi thuộc Cộng đồng Kinh tế và tiền tệ Trung Phi- CEMAC (Cameroon, CH Trung Phi, Congo, Gabon, Ghinee Xích đạo, Tchad), cộng với Comores và Pháp.
Các nước Tây Phi đã liên kết với nhau bằng cách thành lập Ngân hàng các quốc gia Tây Phi (BCEAO) và các nước Trung Phi bằng Ngân hàng các quốc gia Trung Phi (BEAC) để thiết lập cơ chế chuyển đổi đồng tiền của những nước này và hợp tác tiền tệ chặt chẽ với Pháp.
Khu vực đồng franc châu Phi là một mô hình hiếm có về hợp tác được thể chế hóa giữa một nước phát triển và các nước đang phát triển, gắn kết dựa trên lịch sử và ngôn ngữ chung (tiếng Pháp).
Đây là thị trường khá lớn với trên 133 triệu người tiêu dùng với GDP 118 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu 1.047 USD/người. Trong đó, các nền kinh tế lớn nhất là Côte d’Ivoire chiếm 34% GDP của UEMOA và Cameroon chiếm 36% GDP của CEMAC.
Khu vực này chủ yếu xuất khẩu dầu lửa, khoáng sản, gỗ và nông sản (cacao, cà phê, bông). Ngành công nghiệp kém phát triển, chỉ chiếm 25% GDP toàn khu vực nên các nước cũng chịu ảnh hưởng nhiều bởi biến động của giá nguyên liệu.
Tiềm năng lớn cho Việt Nam
Trong những năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và UEMOA đã có bước phát triển khá. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt khoảng 269 triệu USD và nhập khẩu 247 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang UEMOA gồm gạo, dệt may, chất dẻo nguyên liệu, linh kiện phụ tùng xe máy, xe đạp, sắt thép các loại, sản phẩm từ cao su... và nhập khẩu hạt điều thô, bông, gỗ, sắt thép vụn...
Theo ông Alain Chevalier, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong tương lai không xa, 8 nước thành viên của UEMOA có thể nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến 2 tỷ USD.
Ngược lại, UEMOA có thể bán cho Việt Nam những mặt hàng như ca cao, bông, ngọc trai, đá quý, hạt điều thô, gỗ, khoáng sản, sắt vụn... với kim ngạch 1 tỷ USD.
Đối với CEMAC, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt khoảng 150 triệu USD và nhập khẩu 100 triệu USD. Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang CEMAC gồm gạo, hải sản, dệt may, nguyên phụ liệu thuốc lá, hóa chất, chất dẻo nguyên liệu... và nhập khẩu từ CEMAC các mặt hàng bông, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép phế liệu...
Vẫn theo ông Alain Chevalier, Việt Nam và CEMAC có thể bổ sung thương mại cho nhau và còn nhiều tiềm năng phát triển kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong thời gian tới, CEMAC có thể mua đến 1 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam và bán cho Việt Nam các loại hàng hóa nói trên với trị giá lên tới 1 tỷ USD.