Đường Hạnh Phúc - con đường đem ánh sáng, ấm no, hạnh phúc đến với đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang |
Trải nghiệm trên con đường Hạnh Phúc
Quốc lộ 4C với chiều dài 185 km xuyên cao nguyên đá Đồng Văn mang tên đường Hạnh Phúc vốn là con đường được khởi đầu và thành hình từ công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong từ những năm 50- 60 thế kỷ trước. Vì thế, những ai yêu mến Hà Giang thì con đường Hạnh Phúc là một hành trình rất đặc biệt, bởi để đi hết đường Hạnh Phúc phải vượt qua những con đèo cao vút như Bắc Sum, Cổng Trời, Cán Tỷ, Mậu Duệ, ngược lên Lũng Cú vời vợi mây trời. Và đặc biệt là phải vượt qua bức tường thành Mã Pí Lèng danh tiếng.
Chúng tôi khởi hành từ thành phố Hà Giang lúc 5 giờ sáng khi trời còn tối, không gian đẫm hơi sương. Sau 2 giờ đồng hồ, khi xe dừng đến cửa ngõ huyện Quản Bạ trong giá lạnh cắt da, cắt thịt, ai cũng tươi tỉnh, không khỏi háo hức, bởi từ đây, chúng tôi sẽ được trải nghiệm qua hành trình đầy thú vị trên con đường mang tên Hạnh Phúc để đến với huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Đi trên những đoạn đèo dốc, những khúc cua tay áo hiểm trở, nhưng trước mắt luôn là khung cảnh bình yên, đẹp đến nao lòng của vùng núi đá khiến ai cũng xuýt xoa. Nằm sát quốc lộ 4C, Phố Cáo với vẻ đẹp đặc trưng của những ngôi nhà tường trình ánh vàng trong nắng là điểm đến đầu tiên của chúng tôi trên con đường Hạnh Phúc. Và cách đó không xa là thung lũng Sả Phìn nổi tiếng với dinh thự vua Mèo quyền quý, kiến trúc độc đáo, có rất nhiều khách du lịch đến tham quan. Điểm đến tiếp theo là thị trấn Đồng Văn náo nhiệt với chợ phiên, phố cổ là những nơi tập trung đông người với các hoạt động mua bán, múa hát sôi động.
Và điểm đến mong đợi nhất của chúng tôi chính là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam: Mã Pí Lèng. Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc dài khoảng 20 km với nhiều đoạn cua tay áo, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là thăm thẳm vực sâu. Trên đỉnh Mã Pí Lèng, trước mắt chúng tôi là một bức tranh thiên nhiên vô cùng choáng ngợp, từng dãy núi trùng trùng điệp điệp, vô cùng kỳ vĩ, thăm thẳm dưới chân đèo là dòng Nho Quế như sợi chỉ uốn quanh. Rời Mã Pí Lèng, điểm đến cuối cùng là thị trấn Mèo Vạc với những bản làng người Mông yên bình, có phiên chợ Mèo Vạc náo nhiệt, rực rỡ sắc màu, đầy lôi cuốn.
Du khách đến Hà Giang đều muốn ghi lại những tấm hình kỷ niệm tại con đường Hạnh Phúc |
Con đường ánh sáng, ấm no
Đường Hạnh Phúc- con đường huyền thoại nối liền thành phố Hà Giang với 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang- bắt đầu khởi công từ ngày 10/9/1959. Theo tài liệu ghi lại, sau bao nhiêu năm giải phóng, trên vùng cao nguyên đá vẫn chưa có một con đường giao thông thuận tiện nào, vì thế Trung ương Đảng quyết định mở đường và thu nạp hàng trăm thanh niên của dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… để mang sức trẻ góp phần xây dựng quê hương, giúp người dân có đường đi thuận lợi.
Để mở đường, lúc bấy giờ, dụng cụ làm việc còn rất thô sơ, chỉ có búa, xà beng. Vì thế, người cậy đá, người đục, người khuân vác rất vất vả. Một ngày công của họ chỉ tương đương khoảng 1kg gạo. Ăn ở thiếu thốn nhưng hàng ngày, đoàn thanh niên vẫn làm việc hăng say. Họ treo mình lên “nóc nhà” Mã Pí Lèng của vùng cao nguyên đá hơn 11 tháng, đục khoét đá, khoan phá đá để mở từng centimet đường, hoàn thành 10km đường qua dốc cao hiểm trở.
Sau 66 tháng thi công với sự tham gia của gần 2.500 thanh niên xung phong và dân công thuộc 6 tỉnh Việt Bắc và 2 tỉnh Nam Định, Hải Dương, con đường Hạnh Phúc đã hoàn thành, được khai thác từ ngày 10/3/1965, đem lại “ánh sáng ấm no, hạnh phúc” cho đồng bào các dân tộc thuộc 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. |
Được trải nghiệm trên con đường Hạnh Phúc đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành, chúng tôi như cảm nhận rõ hơn sự khắc nghiệt của địa hình cao nguyên đá, đồng thời cảm phục biết bao những người đã hiến dâng tuổi xuân để làm nên con đường huyền thoại này. Chúng tôi cũng hiểu vì sao con đường được mang tên Hạnh Phúc, đó là con đường không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân miền núi, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh biên giới của Tổ quốc và mở ra “cái no, cái ấm” đến với đồng bào.
Nửa thập kỷ đã qua, nhờ con đường Hạnh Phúc mà người dân cao nguyên đá nay có cơ hội để giao thương với các vùng khác, từng bước thúc đẩy kinh tế Hà Giang phát triển. Khắp các thôn, bản vùng biên ải đang có những bước chuyển mình đổi thay tích cực. Bà con dân tộc giờ đây đã làm quen với việc trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao để tiếp cận với sản xuất hàng hóa; trường học đã xuất hiện khắp miền biên viễn…
Chúng tôi chia tay Hà Giang khi sương mù ôm trọn đỉnh núi, thấp thoáng bóng dáng các thiếu nữ dân tộc xuống chợ, dọc hành trình sắc vàng của hoa cải rực vàng trên vùng đá xám, hoa đào nở thắm giữa trùng trùng đỉnh núi mang xuân về rực rỡ trên cao nguyên đá. Chúng tôi cũng tin rằng, phía trước đang là tương lai tươi sáng, hạnh phúc của ấm no sẽ đến ngập tràn trên cao nguyên đá.