Còn nhiều vướng mắc
Tích cực tuyên truyền để Luật BHXH đi vào cuộc sống |
Nhiều vướng mắc
Với chính sách BHXH, năm 2014 đặt dấu mốc quan trọng khi Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Theo đó, Luật BHXH có hiệu lực là cơ sở pháp lý để cơ quan BHXH thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, mở rộng đối tượng tham gia BHXH thuận lợi hơn. Thực tế từ một số địa phương cho thấy, số đơn vị cũng như người đóng BHXH tăng nhanh, cụ thể sau 10 tháng thực hiện Luật BHXH, số người tham gia BHXH bắt buộc ở Đồng Nai tăng 49.812 người (7,4%), Bà Rịa - Vũng Tàu gần 9.000 người, TP. Hồ Chí Minh tăng 4,47%.
Tuy nhiên, đánh giá từ các địa phương cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Luật BHXH vẫn còn không ít vướng mắc. Điển hình như việc phát triển đối tượng tham gia BHXH để đạt mục tiêu Nghị quyết 21 và quy định của luật không dễ dàng. Đơn cử, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều trường hợp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng không tồn tại đúng với địa chỉ trên giấy phép, cố tình trốn tránh không tiếp các đoàn thanh, kiểm tra; tiến hành giao kết nhiều loại hợp đồng dưới tên gọi hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng khoán nhằm trốn tránh nghĩa vụ trích nộp. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng đóng không đúng với chức danh công việc trong thang bảng lương đã xây dựng thỏa thuận với người lao động; một số doanh nghiệp không tham gia BHXH cho lao động là người nước ngoài.
Cùng với đó, tại nhiều địa phương tình trạng người lao động không nghỉ ốm, vừa đi làm vừa được đơn vị đề nghị thanh toán chế độ ốm đau vẫn diễn ra. Hoặc đơn vị không có phát sinh chi phí tiền lương nhưng có tham gia BHXH cho người lao động, thậm chí doanh nghiệp bố trí những ngày nghỉ luân phiên của người lao động do hết hàng nhưng vẫn đề nghị thanh toán chế độ nghỉ ốm.
Khắc phục hạn chế
Trước những bất cập còn tồn tại, trong quá trình triển khai Luật BHXH, nhiều ý kiến đề xuất, cần xem xét trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia BHXH, BH y tế, BH thất nghiệp trên cơ sở hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã giao kết với đơn vị và hưởng đầy đủ các quyền lợi như đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được điều chỉnh bằng mức lương cơ sở. Đồng thời có biện pháp mạnh hơn đối với các doanh nghiệp trốn tránh, vi phạm pháp luật BHXH sau khi khởi kiện vẫn tái diễn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Ngoài ra, cần điều chỉnh việc áp dụng tiền lương để tính lương bình quân lương hưu đối với người lao động có tổng thời gian làm việc trong khu vực nhà nước nhiều hơn so với thời gian làm việc tại khu vực ngoài nhà nước trước khi về hưu; xem xét, điều chỉnh mức lương hưu đối với người đã về hưu trước ngày 1/1/1995 so với mức lương tối thiểu vùng. Vì những đối tượng này phần lớn đã trên 80 tuổi, thời gian thụ hưởng chính sách không còn nhiều.
Mặt khác, để Luật BHXH sớm đi vào cuộc sống, chính quyền địa phương cần có những hoạt động quyết liệt hơn, như: Tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật về BHXH; ban hành văn bản, Chỉ thị về tăng cường chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh; tổ chức chỉ đạo triển khai thực thi pháp luật về BHXH trên cơ sở các nội dung của các văn bản…
Để triển khai hiệu quả công tác tổ chức thực hiện Luật BHXH (sửa đổi), đảm bảo an sinh cho người dân tại mỗi địa phương, đưa luật đi vào đời sống, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền địa phương cần khắc phục tối đa các bất cập hiện nay. |