Ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN |
Thưa ông, vì sao phải sửa đổi Thông tư 52/2012/BTC trong thời điểm này?
Thông tư 52/2012/BTC ngày 5/4/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn CBTT cho các đối tượng tham gia thị trường chứng khoán đến nay đã bộc lộ bất cập về khái niệm “nhóm người liên quan”, về thời gian lập và CBTT các báo cáo tài chính của doanh nghiệp (DN) có mô hình công ty mẹ - con, về vấn đề CBTT của các mô hình quỹ mới như ETF… Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực từ tháng 7/2015 với những điểm mới liên quan đến công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp cần phải đưa vào các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán mới có thể thực hiện được.
Ngoài ra, Việt Nam đang nỗ lực để nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mức nhóm thị trường mới nổi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có tiêu chí minh bạch thông qua cung cấp thông tin thị trường bằng tiếng Anh từ cơ quan quản lý, cũng như các thành viên thị trường cần phải bổ sung quy định.
Ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN Theo kế hoạch Thông tư thay thế Thông tư 52/2012/TT-BTC dự kiến sẽ được hoàn thiện trình Bộ Tài chính ban hành trong quý II/2015. |
Dự thảo sửa Thông tư 52/2012/TT-BTC có điểm mới buộc các doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn phải CBTT bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, có ý kiến cho rằng đối tượng cũng như thời hạn phải CBTT báo cáo bằng tiếng Anh đề cập tới là khó khả thi, ông lý giải thế nào?
Dự thảo quy định công ty niêm yết quy mô lớn hoặc có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao (vốn điều lệ thực góp từ 500 tỷ đồng trở lên hoặc có sở hữu nước ngoài từ 20% trở lên liên tục trong vòng 1 năm) phải CBTT đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh trên website của doanh nghiệp bao gồm các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, điều lệ công ty công bố theo định kỳ và các vấn đề khác (nghị quyết đại hội đồng cổ đông - hội đồng quản trị…) phải CBTT bằng tiếng Anh trong vòng 24 giờ kể từ khi CBTT bằng tiếng Việt.
Việc lựa chọn đối tượng công ty theo quy mô nói trên là tương đối phù hợp (khoảng 100 công ty trên HOSE và 34 công ty trên HNX). Một số thành viên thị trường ngoài nhất trí CBTT bằng tiếng Anh cũng đặt ra mức độ nội dung CBTT đến đâu, tính pháp lý của nội dung bằng tiếng Anh, thời gian chậm CBTT so với nội dung tiếng Việt làm sao cho hợp lý để phục vụ công tác biên dịch và cần lộ trình thực hiện dài hơn để DN có sự chuẩn bị tốt…
Liên quan đến Quỹ đại chúng, có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi thêm thành viên lập quỹ vào đối tượng người nội bộ trong dự thảo Thông tư sửa Thông tư 52/2012/TT-BTC là chưa phù hợp. Quan điểm của ông về nhận xét này?
Hiện tại, CBTT của quỹ mở và quỹ ETF được quy định tại các thông tư về quỹ mở (Thông tư 183) và thông tư về quỹ hoán đổi danh mục ETF (Thông tư 229). Tuy nhiên, qua một thời gian đưa vào hoạt động quỹ ETF, những bất cập liên quan đến CBTT như việc xem xét lại quy định các thành viên lập quỹ vào nhóm đối tượng người liên quan đã xuất hiện. Bất cập là khó tránh và chúng tôi sẽ nghiên cứu để có thể sửa Thông tư 229 hoặc đưa nội dung này vào sửa đổi tại Thông tư 52.
Xin cảm ơn ông!
Ảnh: Ngọc Quang |