Nhiều tiềm năng phát triển
Theo đánh giá của bà Tạ Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch CĐ Công Thương Việt Nam (CTVN) - hiện nay, hoạt động thương mại với nhiều hình thức cùng các thành phần kinh tế đa dạng đang đóng vai trò to lớn trong nền kinh tế Việt Nam.
Hòa cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế, ngành thương mại, bán lẻ đang phát triển mạnh với tốc độ nhanh, đặc biệt là các loại hình thương mại hướng đến xuất khẩu. Bà Vân Anh cho hay, riêng mảng bán lẻ, Việt Nam có hơn 900 siêu thị và trung tâm mua sắm, trên 8.600 chợ các loại. Bên cạnh các DN FDI, những nhà bán lẻ nội địa cũng ngày càng gia tăng về số lượng và khẳng định được vị trí trên thương trường như Hapro, Vinmart, Fivimart, Coop Mart, Intimex, Eximart... Cùng xu hướng đó, số lao động trong ngành thương mại, bán buôn, bán lẻ hiện đã đạt trên 7 triệu người. Tuy nhiên, bà Vân Anh nhìn nhận, tỷ lệ đoàn viên trong khu vực này không cao, ước tính chỉ đạt gần 30%. “Như vậy, tiềm năng phát triển đoàn viên và tổ chức CĐ trong ngành còn rất lớn” - vị Phó Chủ tịch CĐCTVN khẳng định.
Hội nhập tạo động lực mới
Hiện Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia nhiều FTA, trong đó đặc biệt là TPP sắp kết thúc đam phán. “TPP sẽ tạo cơ hội cho hoạt động CĐ phát triển do yêu cầu chất lượng lao động và cam kết thành lập tổ chức CĐ”- bà Vân Anh nhấn mạnh.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, song hoạt động CĐ trong ngành thương mại cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức với các cam kết chặt chẽ của quốc tế. Bởi lẽ, theo báo cáo của CĐCTVN, hiện nay, hoạt động CĐ trong hệ thống ngành thương mại, nhất là lĩnh vực phân phối, bán lẻ còn phân tán và chưa đồng bộ, đặc biệt là các DN ngoài quốc doanh. Chỉ có một số đơn vị như Intimex, Hapro, các siêu thị của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (vốn nhà nước chi phối) và Metro (hệ thống siêu thị FDI) là có mạng lưới CĐ thống nhất.
Hơn nữa, “tại nhiều siêu thị ngoài quốc doanh, chính “ông chủ” lại là người đi vận động thành lập một tổ chức đại diện cho người lao động. Do vậy, tổ chức CĐ các DN như vậy sẽ khó xác định được thuộc cấp nào” - bà Vân Anh phân tích. Ngoài ra, số lượng cán bộ CĐ trong ngành này phần lớn hoạt động kiêm nhiệm, ít có thời gian và điều kiện phục vụ hoạt động CĐ. Mặt khác, trình độ, năng lực hạn chế của các cán bộ cũng là một rào cản. Nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động CĐ, nhất là tại các cơ sở còn khó khăn.
Trước tình hình đó, theo bà Vân Anh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, CĐCTVN cần xem xét, chỉ đạo nghiên cứu chiến lược phát triển đoàn viên trong khối thương mại, dịch vụ phân phối và bán lẻ. “Nên chăng, cần xem xét quan điểm: Người lao động gia nhập CĐ dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Các tổ chức CĐ có thể chủ động tiếp cận những DN mới hình thành để vận động phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức CĐ”- bà Vân Anh gợi ý.
Số lao động trong ngành thương mại, bán buôn, bán lẻ hiện đã đạt trên 7 triệu người. Tuy nhiên, tỷ lệ đoàn viên trong khu vực này không cao, ước tính chỉ đạt gần 30%. |