Phát triển bền vững |
Chia sẻ tại hội thảo với chủ đề “ESG – Chìa khoá cho phát triển bền vững” được tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, phát triển bền vững đang là xu hướng được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn.
Thậm chí, để đạt được mục tiêu này, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra rất nhiều những quy định khắt khe đối với hàng hoá nhập khẩu vào khu vực này, đòi hỏi những hàng hoá đó phải được doanh nghiệp sản xuất trong quy trình thân thiện với môi trường, không sử dụng lao động cưỡng bức và gây tác hại đối với môi trường.
Nestlé Việt Nam là một doanh nghiệp luôn theo đuổi chiến lược phát triển bền vững |
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng đó, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thời gian gần đây đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Nhân sự, Truyền thông và Đối ngoại của AEON Việt Nam cho biết: Để phát triển bền vững, AEON Việt Nam tập trung vào 2 nhiệm vụ chính, bao gồm: Xây dựng hệ thống phân phối bền vững và Thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Hiện AEON Việt Nam tìm kiếm và phối hợp cùng các nhà cung cấp để phát triển sản phẩm mới của nhãn hàng riêng AEON theo các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, từ đó gia tăng tỷ lệ nhóm sản phẩm này trong hệ thống. Theo kế hoạch, tới năm 2025, AEON sẽ đẩy mạnh các sản phẩm này tại hệ thống kinh doanh, giới thiệu tới người tiêu dùng Việt thêm nhiều sản phẩm chất lượng.
“Ngoài ra, chúng tôi còn cam kết đồng hành cùng khách hàng trong hành trình hướng đến tiêu dùng bền vững thông qua nhiều chiến dịch và sáng kiến nổi bật như: Sử dụng 100% túi ni-lông phân hủy sinh học, “Cho thuê túi môi trường – Rent a bag”, ngừng bán các sản phẩm nhựa dùng một lần…” – bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ cho biết thêm.
Cũng là một doanh nghiệp luôn theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, bà Lê Thị Hoài Thương – Trưởng phòng Đối ngoại Cấp cao Nestlé Việt Nam cho biết: Là một tập đoàn thực phẩm, đồ uống lớn nhất thế giới, đã có mặt tại Việt Nam gần 30 năm qua, Nestlé Việt Nam có nhiều dòng sản phẩm tại Việt Nam thân thiết với người tiêu dùng, mỗi ngày sản phẩm của doanh nghiệp đã tiếp cận, phục vụ rất nhiều người dân Việt Nam. Do đó, đưa ra thị trường các sản phẩm không chỉ tốt cho sức khoẻ mà còn thân thiện với môi trường chính là mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng tới.
"Với Nestlé trên toàn cầu chúng tôi đã có những cam kết phát triển bền vững và lâu dài, tại Việt Nam, ngày đầu tiên Nestlé có mặt, chúng tôi cũng cam kết hoạt động lâu dài và đóng góp vào mục tiêu phát phát triển bền vững tại đây" - bà Lê Thị Hoài Thương nhấn mạnh và cho biết thêm: Theo đó, doanh nghiệp đã đặt ra nhiều cam kết hướng tới mục tiêu này thông qua những hành động cụ thể như kiểm soát nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, hay như sử dụng đội xe sử dụng nguyên, nhiên liệu thân thiện với môi trường để tiết kiệm nguyên, nhiên liệu. Đặc biệt, toàn bộ sữa uống của Milo hiện đã được sử dụng bằng ống hút giấy thay cho ống hút nhựa để giảm phát thải ra môi trường…
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Trưởng ban điều phối Ủy ban Phát triển bền vững Tập đoàn TH cho biết: Tập đoàn TH đã thực thi kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trong toàn chuỗi sản xuất. Đặc biệt, TH đang hành động để xây dựng nền kinh tế xanh, được hiểu đơn giản là một nền kinh tế sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, để lại nền tảng phát triển bền vững, đảm bảo công bằng xã hội, không gây hệ lụy môi trường cho các thế hệ tương lai.
Trên cơ sở đó, chiến lược phát triển bền vững của TH được xác định với các trụ cột: Dinh dưỡng - sức khỏe, môi trường, cộng đồng, con người, giáo dục và phúc lợi động vật.
Cũng theo bà Hoàng Thanh Thủy, những hành động thiết thực mà Tập đoàn TH đã và đang thực hiện như sản xuất năng lượng sạch, bảo vệ nguồn nước và hàng loạt giải pháp tiêu dùng bền vững. Đặc biệt, TH cũng là doanh nghiệp tiên phong sáng lập và chung tay cùng các tổ chức lớn tại Việt Nam trong trách nhiệm hạn chế rác thải nhựa, như: Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam - PRO Vietnam, Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam - VB4E, Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi nilon dùng 1 lần.
Theo ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam: Phát triển bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi những rủi ro thành động lực đổi mới, từ đó đem lại giá trị lâu dài cho doanh nghiệp và xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít những thách thức do thiếu hụt nguồn lực con người, tài chính và những cam kết ngày càng cao đối với cộng đồng quốc tế trong phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong việc tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng và môi trường thuận lợi cũng vô cùng quan trọng và cần thiết, đây cũng chính là cơ sở để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như mục tiêu đề ra tại COP26.
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam: Phát triển bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi những rủi ro thành động lực đổi mới, từ đó đem lại giá trị lâu dài cho doanh nghiệp và xã hội. |