Ngoài kia, “miếng bánh” còn rất lớn
Không ngẫu nhiên cuộc họp Tổng giám đốc các sở GDCK ASEAN năm nay lại nhận được sự quan tâm rất lớn của các CTCK trong khu vực. Bên cạnh nỗ lực của Sở GDCK Hà Nội (HNX), đơn vị chủ trì tổ chức, còn một yếu tố rất quan trọng khiến lãnh đạo các sở và các nhà môi giới khu vực hội tụ tại Hà Nội là sức tăng trưởng ấn tượng của TTCK và tiềm năng đầu tư rộng mở khi Chính phủ kiên quyết hoàn tất cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn và đưa các doanh nghiệp đại chúng lên sàn.
Kinh tế thế giới 9 tháng đầu năm 2016 đón nhận những thông tin kém khả quan và đối mặt với nhiều rủi ro khi các nền kinh tế chủ chốt tiếp tục thể hiện những bất ổn. Hầu hết các định chế tài chính trên thế giới đều hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm 2016. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, mặc dù bức tranh tổng thể vẫn còn nhiều vấn đề như sự sụt giảm của ngành nông nghiệp, tăng trưởng GDP khó đạt được mục tiêu đề ra, áp lực lạm phát là khá lớn do điều chỉnh giá dịch vụ…
Chia sẻ tại sự kiện, TSKH Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HNX đánh giá, trên TTCK, trong 9 tháng đầu năm, mặc dù chịu nhiều tác động bởi tình hình thế giới, TTCK vẫn hồi phục nhanh chóng và duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, thậm chí còn ghi nhận đạt đỉnh cao nhất trong 8 năm qua. TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong năm thị trường thế giới có mức tăng trưởng cao nhất và có mức sinh lời lớn nhất trong quý II/2016 tại khu vực Đông Nam Á.
Với mức tăng trưởng ấn tượng của TTCK trong 9 tháng đầu năm nay cũng như một vài năm trước đó, trong nhiều cuộc tiếp xúc ngoại giao trên bình diện khu vực và quốc tế, TTCK Việt Nam nhận được không ít những đánh giá tích cực từ các định chế nước ngoài. Ông Wilbur L. Ross, tỷ phú xếp thứ 200 của Mỹ từng cho rằng, ông không thể bỏ qua cơ hội thú vị đầu tư vào Việt Nam - đất nước mà theo ông là an toàn nhất thế giới. James V. Calvano, quản lý Quỹ đầu tư Vangurd, trong sự kiện xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại New York năm ngoái đã nhận định: "Việt Nam cách Mỹ rất xa về khoảng cách địa lý, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ đến Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội ở đây và kết nối với nhà đầu tư của Vanguard”.
Vậy thực tiễn vốn ngoại vào TTCK Việt Nam ra sao? Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đến tháng 5/2016, tổng giá trị danh mục đầu tư của vốn ngoại vào TTCK đạt khoảng 15 tỷ USD trong tổng số 71,5 tỷ USD vốn hóa (tính trên 3 sàn HNX, HOSE và UPCoM). Giá trị đầu tư của khối ngoại có tăng, nhưng tăng không lớn so với 2 năm trước đó (cuối năm 2013 khoảng 13,5 tỷ USD, cuối năm 2014 khoảng 14,7 tỷ USD).
Trong khu vực ASEAN, một so sánh rất đáng lưu tâm được lãnh đạo Sở GDCK Malaysia, bà Ong Li Lee chia sẻ cuối tuần qua là, trong khi giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở GDCK Thái Lan năm 2015 là 69,5 tỷ USD, tại Malaysia là 34 tỷ USD, thì tại Sở GDCK Hà Nội, con số này mới có 171 triệu USD. Sở GDCK Thái Lan đạt doanh số giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài lên tới 22 tỷ USD (năm 2015), còn Sở GDCK Indonesia đạt tới 25,2 tỷ USD giá trị giao dịch khối ngoại...
Như vậy, chỉ so với các thị trường khu vực, mức độ giao dịch vốn ngoại trên TTCK nước ta đã là rất mỏng. Trong khi đó, cơ hội và tiềm năng đầu tư tại Việt Nam là rất lớn với hàng trăm, hàng nghìn DN phải bán vốn Nhà nước, phải lên sàn. Bên bán sẽ nhiều hơn, đặt ra đòi hỏi phải làm sao tìm được chủ thể mua tương ứng. Con số vốn ngoại vào Việt Nam còn nhỏ bé cho thấy, không gian thu hút các dòng vốn lớn vào Việt Nam còn rất rộng. Theo lãnh đạo HNX, "miếng bánh” thị trường hoàn toàn có thể rộng mở nếu mở rộng tầm nhìn khu vực, nỗ lực hoàn thiện cấu trúc TTCK để hội nhập, để bước ra sân chơi rộng hơn.
Cộng lực mở rộng thị trường, mở rộng cơ hội
Không chỉ một lần, trong Hội nghị thành viên cuối tuần qua, Chủ tịch cũng như Phó Tổng trực tiếp phụ trách khối công ty chứng khoán tại HNX, ông Nguyễn Văn Dũng bày tỏ mong muốn các thành viên hãy hợp sức xây dựng TTCK phái sinh và cùng hoàn thiện cơ chế tạo lập thị trường cho thị trường cổ phiếu.
Thông tư 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính đã mở ra cơ chế này, theo đó các CTCK đủ điều kiện sẽ đóng vai trò quan trọng và chủ động trong việc tăng cường thanh khoản cho cổ phiếu. Cả hai mảng việc này đều được dự kiến khai mở vào đầu năm 2017. Tại Sở GDCK TP. HCM, sản phẩm Covered Warrant cũng đang rất cần sự nhiệt tâm của các CTCK lớn, để thị trường có thêm sản phẩm mới, tăng tính chuyên nghiệp, hoàn thiện cấu trúc sản phẩm, tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Thông điệp lãnh đạo HNX truyền tải đến các thành viên đó là: các mảng việc sẽ khai mở năm 2017 rất quan trọng, nên rất cần những bộ óc sáng tạo, cùng tư duy, cùng hoàn thiện hệ thống để đảm bảo khi đi vào thực tế sẽ vận hành thông suốt theo các quy định pháp lý hiện hành.
"Nếu quá trình triển khai xuất hiện những vướng mắc pháp lý, chúng tôi mong rằng, CTCK hãy cùng trao đổi, đề xuất để Sở và cơ quan quản lý xem xét sửa đổi”, lãnh đạo HNX nói. Ở vị thế của Sở GDCK, HNX nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa chính sách vào cuộc sống. Ở vị trí của cơ quan làm chính sách, UBCK luôn đặt mục tiêu làm thế nào để có những chính sách chuẩn mực, thúc đẩy TTCK lành mạnh, hiệu quả hơn.
Về phía các thành viên, trao đổi từ đại diện HSC, BVSC và một số đơn vị khác, đã được nhà quản lý giải đáp hoặc ghi nhận sẽ giải đáp trong thời gian ngắn tới. Chỉ còn 2 tháng để hoàn tất các mảng việc cần thiết (năng lực tài chính, công nghệ, nhân sự), để kịp hiệu lệnh khai mở TTCK phái sinh theo chỉ đạo của Thủ tướng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các thành viên chủ chốt. TTCK phái sinh ra đời mới mong hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam lên mức cao hơn.
Thông tin từ ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK cho biết, hiện có khoảng 15 công ty chứng khoán đủ điều kiện về tiềm lực tài chính tham gia TTCK phái sinh. Tuy nhiên, những cái tên thực sự nhiệt tâm với mảng việc mới này vẫn chỉ là những gương mặt quen thuộc như SSI, HSC, BVSC...
Tiềm lực tài chính và hiệu quả sinh lời của khối CTCK còn mỏng, chưa có sự cải thiện (6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của 76 CTCK đạt 1.203 tỷ đồng, chỉ bằng 44% năm 2015) là điểm khiến nhiều CTCK phải trăn trở khi thực tế, chỉ riêng đầu tư hệ thống công nghệ cho TTCK phái sinh, số tiền đã lên đến hàng triệu USD.
Nhưng tiềm năng của TTCK là rất lớn khi Chính phủ quyết tâm thoái vốn tại đa số DNNN và đưa DN cổ phần hóa lên sàn. Cơ hội hợp tác, khai thác tệp khách hàng trong nội khối ASEAN cũng rất lớn, khi TTCK Việt Nam mới thu hút được dòng vốn còn nhỏ bé từ khu vực. Các CTCK sẽ chọn lựa như thế nào: tự nâng cấp chính mình để chủ động đón cơ hội mới, hay chờ tác nghiệp tại thị trường trong nước cho thật "mạnh giỏi” mới tính chuyện bước ra? Với 70 cuộc tiếp xúc song phương giữa các CTCK nội với ASEAN được tổ chức trong Chương trình Kết nối các CTCK ASEAN (Broker Networking) cho thấy, nhu cầu hợp tác, tìm cơ hội để mở rộng tầm nhìn, mở rộng kết nối trong ASEAN đến từ CTCK nội và các đối tác (tiềm năng) ngoại là rất lớn.
Dale Carnegie, tác giả “Đắc nhân tâm” đúc kết: "Người tiến xa nhất là người sẵn sàng hành động và chấp nhận thách thức”. Vậy đâu sẽ là CTCK có bước tiến xa trong một vài năm tới? Thị trường chờ đợi sự nỗ lực và quyết đoán nắm bắt cơ hội của các doanh nhân ngành chứng khoán - ngành công nghiệp non trẻ, đầy áp lực và tiềm năng tại Việt Nam.