CôngThương - Sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn do sức mua yếu, hàng tồn kho nhiều, lãi suất cho vay ngân hàng tuy giảm, nhưng tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh còn hạn chế... Với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt của thành phố, như: Tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo, tháo gỡ khó khăn kịp thời, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư... nên sản xuất công nghiệp của Hà Nội duy trì được đà tăng trưởng.
Trong tháng 9, tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu khả quan hơn các tháng trước. Tính chung 9 tháng, hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp đều đã bắt đầu tăng trở lại, một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng chung của toàn ngành như: Công nghiệp dệt (tăng 50,6%), sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 50,2%), sản xuất kim loại (tăng 26,4%), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 15%), sản xuất xe có động cơ (tăng 22,9%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 9,6%)... Do vậy, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp Hà Nội 9 tháng đầu năm tăng 4,4% so cùng kỳ. Theo Sở Công Thương Hà Nội, với tín hiệu khả quan này, công nghiệp thành phố từ nay đến cuối năm sẽ có đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, hiện một số ngành vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, lượng hàng tồn kho nhiều nên chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 8,6%), sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (giảm 16,6%), sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (giảm 4,9%)...
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Hà Nội 9 tháng đầu năm tăng 4,4% so với cùng kỳ. Với tín hiệu khả quan này, công nghiệp thành phố từ nay đến cuối năm sẽ có đà tăng trưởng tốt. |
Trái với tín hiệu khả quan của sản xuất công nghiệp, 9 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn chỉ đạt 7404,7 triệu USD, giảm 1,5% so cùng kỳ năm trước. Đóng góp nhiều nhất để đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của Hà Nội là nhóm hàng dệt may, chiếm tỷ trọng 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,3% so cùng kỳ. Nhóm hàng giày, dép các loại và sản phẩm từ da tăng 23,9%. Nhóm hàng xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ là: Hàng nông sản (giảm 4,7%), xăng dầu (giảm 36,9%). Nhóm hàng nông sản xuất khẩu giảm mạnh chủ yếu là gạo. Nguyên nhân do thời gian qua mưa nhiều làm chậm tiến độ giao hàng, chất lượng lúa gạo không tốt, ảnh hưởng đến nguồn cung xuất khẩu; gạo xuất khẩu sang Trung Quốc chậm do nước này bắt đầu vào vụ thu hoạch, xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đất liền bị hạn chế. Trong nhóm nông sản, mặt hàng cà phê chiếm tỷ trọng 24% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản, lại có tốc độ tăng khá so với cùng kỳ (tăng 66,1%). Nguyên nhân, do Brazil - nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới đang tiến hành tích trữ, khiến sản lượng cà phê xuất khẩu giảm.