Công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến gỗ: Sự quan tâm của Malaysia và Indonesia
Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò to lớn trong quá trình phát triển của ngành chế biến gỗ trên thế giới nói chung và ở hai quốc gia sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu châu Á là Malaysia và Indonesia. Thực tiễn từ ngành chế biến gỗ của hai quốc gia này cho thấy để hiện đại hóa ngành gỗ, làm chủ từ khâu thiết kế đến hoàn thiện sản phẩm và có vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, không thể không đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho chế biến gỗ.
Malaysia: Thúc đẩy đột phá trong chuỗi giá trị gỗ chế biến
Những năm gần đây, Malaysia xuất khẩu khoảng 23 tỷ USD gỗ và sản phẩm từ gỗ mỗi năm, chủ yếu bao gồm đồ gỗ và các sản phẩm panel như MDF và ván ép. Mặc dù vai trò của tự động hóa và Công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực này chưa thực sự rõ nét, nhưng không thể phủ nhận các nhà sản xuất Malaysia đang quyết liệt hơn trong đầu tư công nghệ cho chế biến sâu, phát triển công nghiệp hỗ trợ coi đó là điều kiện quan trọng để giữ vị thế đứng đầu Đông Nam Á của nước này trong chế biến gỗ.
Chuỗi giá trị các sản phẩm gỗ & gỗ và đồ nội thất & đồ đạc đang chuyển đổi, từ chủ yếu sản xuất các sản phẩm đại trà sang các sản phẩm có tính đặc sắc cao. Các công ty địa phương hiện đang tạo sự khác biệt bằng cách trở thành Nhà thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng (Original Designed Manufacturer- ODM) và Nhà sản xuất Thương hiệu gốc (Original Brand Manufacturer - OBM), sản xuất đồ nội thất có giá trị gia tăng cao với tính thẩm mỹ thiết kế sáng tạo và độc đáo. Điều này đòi hỏi sự cải tiến nhanh chóng của công nghiệp hỗ trợ cho ngành gỗ, đặc biệt là các loại phụ kiện như ngũ kim, đinh vít, ốc vít, ke, bản lề, khóa, tay nắm… Máy móc chế biến gỗ, công nghệ thông tin (phần cứng và mềm thiết kế), vật liệu, trang thiết bị, linh phụ kiện, sản phẩm dệt may và đồ da phục vụ đồ gỗ nội thất, sơn và chất xử lý bề mặt khác… cũng là những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quan trọng tại Malaysia.
Trong thực tế, các loạt vật liệu ngoài gỗ, nhất là keo gắn gỗ có thể đóng góp đến 30-35% giá trị sản phẩm của ngành chế biến gỗ nhân tạo. Để có thể làm chủ từ khâu thiết kế, việc kiểm soát tốt các sản phẩm phụ kiện này hết sức quan trọng, cho phép các công ty Malaysia tiếp tục phát triển trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt và giá vật tư cũng như các sản phẩm cơ khí, hóa chất… trên thị trường thế giới liên tục biến động.
Đối với sơn, một sản phẩm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ ngành gỗ, những cải tiến cũng hết sức quan trọng, nhất là khi nhu cầu của thế giới về các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường tăng lên. Ngành công nghiệp đồ gỗ chế biến của Malaysia đầu tư lớn cho những thành tựu trong nghiên cứu và phát triển (R & D) để tạo ra các sản phẩm sơn thích ứng với thị trường tiêu dùng các sản phẩm xanh và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng… Để hoàn thiện chuỗi giá trị, Malaysia dự kiến thành lập một trung tâm nội thất tập trung, nơi tất cả các hoạt động liên quan đến ngành, bao gồm từ thiết kế và đào tạo,nghiên cứu và phát triển gỗ và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được đặt tại một địa điểm vì lợi ích của tất cả các doanh nghiệp trong ngành.
Indonesia: Sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp
Indonesia sản xuất 80% nguyên liệu mây thô toàn cầu với các nguồn cung lớn Kalimantan, Sulawesi và Sumatra. Ngoài ra, Indonesia là một trong 10 quốc gia có diện tích rừng lớn nhất thế giới với nguồn nguyên liệu gỗ rất lớn trong 120,6 triệu ha rừng, trong đó có 12,8 triệu ha rừng sản xuất.
Sản phẩm gỗ tếch và mây của Indonesia đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, nhưng chỉ đứng thứ tư trong ASEAN (sau Malaysia, Việt Nam và Philippines) về giá trị xuất khẩu mặc dù nguồn tài nguyên phong phú. Các thị trường truyền thống cho các sản phẩm đồ nội thất của Indonesia là Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp đồ nội thấtđã bắt đầu thâm nhập vào các thị trường phi truyền thống như châu Phi,Trung Đông và Đông Âu...
Ngành công nghiệp đồ nội thấtIndonesia có sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp ở nhiều quy mô khác nhau, ở nhiều phân đoạn khác nhau trong chuỗi giá trị, từ nhà sản xuất nguyên liệu thô, nhà sản xuất bán thành phẩm, nhà sản xuất thành phẩm và nhà bán lẻ và xuất khẩu từ các công ty vừa và nhỏ đến các tập đoàn lớn…
Chính phủ Indonesia đang tìm cách tối ưu hóa tiềm năng của ngành nội thất gỗ và mây tre cói thông qua một số chính sách, bao gồm các chương trình từ sản xuất đến phát triển thị trường, trong đó có một nội dung quan trọng là công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ cũng đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo và các cơ sở nghiên cứu về chế biến gỗ và đồ nội thất tại Khu công nghiệp Kendal.
Gỗ biến đổi nhiệt (TMT) là một trong những điểm sáng tạo ra khả năng thích ứng cao cho sản phẩm gỗ của Indonesia khi xuất khẩu. Đây là dòng sản phẩm gỗ đã trải qua các phương pháp xử lý nhiệt khác nhau nhằm cải thiện khả năng chống thối rữa trong điều kiện ẩm ướt. Do hầu hết các loại gỗ cứng chủ yếu phù hợp cho sử dụng nội thất, sự phát triển của gỗ cứng TMT đang mở ra một loạt các ứng dụng ngoại thất mới ở Indonesia. Đầu tư cho các máy chế biến gỗ, trong đó có máy sản xuất TMT là một trong những đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp trong ngành này tại Indonesia.
Một kinh nghiệm khác là làm chủ ngành sơn. Ngành công nghiệp sơn của Indonesia tăng trưởng ổn định và hầu như không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và góp phần quan trọng cho sự ổn định của ngành gỗ nội nhất. Đây cũng là một trong số ít các ngành kinh doanh tại Indonesia có các công ty nội địa mạnh và tỷ lệ nội địa hóa cao, tới 75 - 80% thị phần. Nhà sản xuất sơn lớn nhất ở Indonesia là PT Propan Raya Industrial Chemicals Chemicals, công ty hàng đầu về sơn với thị phần 67% và là một trong những nhà sản xuất sơn gỗ lớn nhất ở Đông Nam Á…
Về phát triển thị trường, Bộ Công nghiệp Indonesia đã phát động chương trình EK Smart IKM để giúp quảng bá và tiếp thị các sản phẩm gỗ chế biến của nước này. Đây là một nỗ lực quảng cáo thông qua một thị trường trực tuyến. Đã có hơn 1.600 nhà sản xuất đồ nội thất tham gia E-Smart IKM và 20% trong số họ đã tăng doanh số từ nền tảng thị trường trực tuyến.