Công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô: Chưa như kỳ vọng
Tỷ lệ nội địa hóa thấp
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến nay, cả nước có 358 doanh nghiệp (DN) sản xuất liên quan đến ôtô, trong đó có 50 DN lắp ráp, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 DN sản xuất linh kiện phụ tùng. Con số quá thấp so với 385 DN ở Malaysia và 2.500 DN ở Thái Lan.
Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ sản xuất được những nhóm linh kiện đơn giản |
Hiện các DN hỗ trợ ngành ôtô ở Việt Nam mới chỉ sản xuất được những nhóm linh kiện đơn giản như: Khung gầm xe, thùng xe, vỏ cabin, cửa xe, săm lốp, bộ tản nhiệt, dây phanh, dây dẫn điện, trục dẫn, vành bánh xe… và được đầu tư nhỏ lẻ, không theo chuỗi cung ứng dẫn đến sức cạnh tranh quốc tế còn hạn chế…
Để ủng hộ cho CNHT, linh kiện do DN nội sản xuất cần cạnh tranh hơn so với linh kiện nhập khẩu về chất lượng, chi phí và giao hàng, trong đó chi phí, sản lượng đóng vai trò quan trọng.
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, các sản phẩm CNHT về phụ tùng linh kiện ở mức độ đơn giản, với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Do đó, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn rất thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu mong muốn.
Nói về nguyên nhân khiến tỷ lệ nội địa hóa ngành ôtô Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực, TS. Trương Thị Chí Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển DN CNHT (SIDEC) - cho rằng, quy mô thị trường còn quá thấp, sản lượng tiêu thụ ôtô những năm gần đây chỉ khoảng dưới 300.000 xe/năm, lại phân bổ vào rất nhiều dòng xe khác nhau. Trong khi về lý thuyết, mỗi mẫu xe muốn gia tăng tỷ lệ nội địa hóa phải đạt sản lượng tối thiểu 50.000 xe/năm. Quy mô thị trường khá nhỏ kéo theo ngành CNHT ôtô không thể phát triển. Bên cạnh đó, quan hệ giữa nhà lắp ráp và nhà cung cấp phụ tùng linh kiện còn rời rạc…
Hỗ trợ để bứt phá
Theo Bộ Công Thương, cần phải nâng cao năng lực DN CNHT ngành ôtô đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu. Bộ sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các dự án của ngành ôtô, như: Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco), Công ty CP Tập đoàn Thành Công, Vinfast và các dự án khác. Đây được xem là những tín hiệu tốt gia tăng sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.
Cụ thể, Bộ sẽ xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng ngành ôtô cho các DN sản xuất và lắp ráp ôtô trong và ngoài nước; đồng thời, nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các DN trong nước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ôtô đa quốc gia.
Đồng thời, triển khai hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành này theo Chương trình phát triển CNHT đã phê duyệt trong một số ngành trọng điểm như công nghiệp ôtô, điện tử...; tập trung tổ chức kết nối và hỗ trợ các DN trong nước tham gia được chuỗi cung ứng và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả quá trình hội nhập; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn từ các nguồn lực phục vụ hoạt động phát triển CNHT...
Để khắc phục những bất cập về danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, cũng như chính sách riêng biệt cho các ngành có đặc thù riêng, Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT. |