Công nghiệp nông thôn: Cần tăng trợ lực
- Kết quả bước đầu
Xác định phát triển CN ở nông thôn là giải pháp hết sức cần thiết và quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội, Bình Định đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, ban hành nhiều chương trình, chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển CN ở nông thôn. Về cơ sở hạ tầng, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tập trung quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp (CCN). Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 36 CCN đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; trong đó, trong 34 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 800 doanh nghiệp (DN) đăng ký đầu tư sản xuất, kinh doanh, với tỉ lệ lấp đầy trung bình đạt 51,5%/CCN. Năm 2012, các CCN trên địa bàn tỉnhBình Định đã tạo ra giá trị sản xuất CN trên 1.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho trên 17.000 lao động.
Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác quy hoạch, hỗ trợ các làng nghề truyền thống cũng đã được UBND tỉnh Bình Định quan tâm. Trong giai đoạn 2007 -2012, UBND tỉnh Bình Định đã hỗ trợ trên 10 tỉ đồng cho các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng các làng nghề truyền thống, và đã công nhận 38 làng nghề đạt tiêu chí làng nghề truyền thống. Ngoài ra, từ năm 2010 đến nay, các chương trình khuyến công của tỉnh, của Trung ương cũng đã hỗ trợ gần 5 tỉ đồng để xây dựng một số mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các làng nghề, các cơ sở sản xuất CN ở KVNT, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm cho các cơ sở ở các làng nghề trong tỉnh.
Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, định kỳ 2 năm 1 lần UBND tỉnh Bình Định tổ chức bình chọn sản phẩm CN nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, nhằm phát hiện các sản phẩm CN nông thôn có chất lượng, giá trị sử dụng cao, và có tiềm năng phát triển sản xuất để có kế hoạch hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị…
Ông Nguyễn Xuân Thạch, Chủ nhiệm HTX Bình Đê, cho biết: “Năm 2012, sản phẩm gạch không nung của đơn vị tôi đạt danh hiệu sản phẩm CN nông thôn tiêu biểu. Đây là ghi nhận về những đóng góp của các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong sự nghiệp phát triển. Từ khi sản phẩm đạt được danh hiệu sản phẩm CN nông thôn tiêu biểu, tỉnh đã tạo cơ hội cho đơn vị tham gia các hội chợ, triển lãm, nên có thêm kênh thông tin đáng tin cậy để quảng bá và giới thiệu sản phẩm của mình đến với khách.
Sự phát triển của các cơ sở, DN ở nông thôn đã tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng CN và dịch vụ. Nhiều KVNT trên địa bàn tỉnh Bình Định đã “thay da đổi thịt” nhờ sự xuất hiện của các nhà máy, xí nghiệp. Năm 2010, giá trị SXCN ở KVNT chiếm 28% so với tổng giá trị sản xuất CN toàn tỉnh, hiện nay con số này đã tăng lên gần 30,2%.
Cần được trợ lực
Theo ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định: Đầu tư phát triển CN ở nông thôn tuy mất một số lợi thế cạnh tranh so với khu vực đô thị, nhưng bù lại, đây lại là nơi đất rộng, có thể đầu tư với quy mô lớn mà không phải “chen chúc” trong môi trường “đất chật người đông”. Thực tế hiện nay các DN rất khó để kiếm được một mảnh đất vài chục ha với giá thuê thấp tại thành phố Quy Nhơn hoặc vùng ven, nhưng ở ố thì lại dễ dàng. Không những thế, các DN đầu tư ở KVNT còn giảm được chi phí đền bù giải tỏa khá lớn so với ở khu vực đô thị. Do vậy, trong quy hoạch phát triển CN đến năm 2015, tầm nhìn 2020, tỉnh Bình Định xác định đến năm 2015 giá trị sản xuất CN ở KVNT chiếm 35% tổng giá trị sản xuất CN toàn tỉnh.
Bên cạnh những lợi thế so sánh và những kết quả đạt được, sự phát triển CN ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện cũng còn nhiều hạn chế. Nhìn chung, các DN, cơ sở CN có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu khả năng tiếp cận với thị trường. Bên cạnh đó, những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn lao động chưa qua đào tạo, vốn tín dụng, thủ tục hành chính... cũng đã làm cản trở sự phát triển của các DN ở KVNT. Giao thông ở KVNT chưa phát triển đã tác động bất lợi vào giá thành đầu ra của hàng hóa sản xuất ở đây.
Ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn (Bình Định), cho biết: Việc phát triển CN ở KVNT hiện còn gặp một số bất lợi, đặc biệt là cơ sở hạ tầng còn hạn chế, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Ngoài ra, các DN rất khó tiếp cận thông tin thị trường, thiếu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đối với các làng nghề truyền thống, hầu hết đều chưa có hướng phát triển cụ thể và bài bản... Do vậy, về phía địa phương, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng của tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ các DN ở nông thôn khắc phục những hạn chế nêu trên.
Ông Nguyễn Kim Phương cho biết: Trước những khó khăn và bất lợi nêu trên, để đón luồng đầu tư vềnông thôn, ngành Công Thương và các ngành chức năng của tỉnh Bình Định đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, chính sách, như: Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng ở KVNT; duy trì và tổ chức lại việc phát triển sản xuất ở các làng nghề truyền thống; tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở, DN ở KVNT… Ðồng thời, ngành Công Thương Bình Định cũng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển CN và mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển CN tại nông thôn. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu chính quyền các địa phương phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng nhằm hỗ trợ sự phát triển của các DN trên địa bàn.
Minh Hạnh