Công nghiệp nông thôn Trà Vinh: Đầu tư nâng tầm sản phẩm
Có mặt tại một chương trình kết nối cung - cầu do TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, chị Lâm Mộng Thúy - Chủ cơ sở sản xuất dầu dừa sạch Phương Huỳnh - đã chia sẻ với chúng tôi về quá trình đưa dầu dừa sang đất Nhật Bản.
Sản phẩm dầu dừa Phương Huỳnh đã chinh phục được người tiêu dùng |
Chị cho biết, trước đây, ở Trà Vinh, các cơ sở sản xuất như chị thường làm dầu dừa theo phương pháp truyền thống và bán lẻ ở thị trường nội địa, nếu để lâu sản phẩm dễ bị cặn, đổi màu vàng. Tuy nhiên, từ khi biết tới phương pháp ép lạnh với công nghệ enzyme, chị đã đầu tư sản xuất cho ra sản phẩm có chất lượng ổn định hơn, màu đồng nhất, thời gian bảo quản lên đến 24 tháng. Sản phẩm của chị đã chinh phục được các nhà nhập khẩu Nhật Bản.
Năm 2018, cơ sở của chị được hưởng lợi từ Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất dầu dừa bằng công nghệ sinh học” của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (TTKC&XTTM) tỉnh Trà Vinh với tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 251 triệu đồng, trong đó vốn khuyến công địa phương hỗ trợ 97 triệu đồng.
Đây chỉ là một ví dụ về hiệu quả của nguồn vốn khuyến công được thực hiện trong thời gian qua tại Trà Vinh. Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc TTKC&XTTM - cho biết, các doanh nghiệp CNNT ở Trà Vinh đa số có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên gặp nhiều khó khăn trong đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm. Bởi vậy, trong năm qua, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia và địa phương, tỉnh đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị cho các cơ sở, doanh nghiệp. Tiêu biểu như “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nhựa tái sinh”; “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất bánh tráng”; “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất bánh phồng”... Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, nâng chất lượng cho sản phẩm CNNT. Nhờ vậy, Trà Vinh đã bình chọn được 57 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, đồng thời có 5 sản phẩm của 3 cơ sở đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực phía Nam năm 2018.
Không chỉ hỗ trợ vốn ứng dụng máy móc, Trà Vinh còn đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề nhằm giải quyết thực trạng thiếu nguồn lao động ở địa phương. Năm 2018, tỉnh đã tổ chức 6 lớp truyền nghề cho 170 học viên. Công tác đào tạo nghề đã thu hút được nhiều lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp, những nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia giảng dạy trong các làng nghề… Kết quả, 100% lao động thành thạo tay nghề và được cơ sở, doanh nghiệp thụ hưởng giao nguyên liệu về gia công sản phẩm, ước thu nhập bình quân mỗi lao động đạt 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng, góp phần tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống của người dân tại vùng nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Sang cho biết, năm 2019, trung tâm sẽ đẩy mạnh việc đào tạo nghề, truyền nghề nhằm hạn chế việc di dân tìm việc làm ngoài tỉnh. Qua đó, giải quyết việc làm tại chỗ và tạo thu nhập ổn định cho người lao động ở nông thôn... Cụ thể, trung tâm sẽ tổ chức 4 lớp truyền nghề cho 120 học viên, tập trung hỗ trợ cho lao động tại các cơ sở sản xuất, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm quà lưu niệm, quà tặng.
TTKC&XTTM sẽ triển khai thực hiện 7 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sơ chế, chế biến nông sản cho 7 cơ sở CNNT với tổng kinh phí 862 triệu đồng. |