CôngThương - Công nghiệp tăng trưởng nhờ lợi thế vùng miền
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động của các DN khó kỳ vọng như mong muốn, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo và sự quyết tâm cao của các địa phương, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành nên 6 tháng đầu năm 2013 sản xuất công nghiệp của 14 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá.
Giá trị sản xuất công nghiệp (so sánh năm 2010) toàn vùng toàn vùng 6 tháng đầu năm 2013 đạt 80.349,6 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ, đạt 46,8% kế hoạch. Kết quả tăng trưởng đó là do một số mặt hàng chính như: đường tinh kết, lọc hóa dầu, may mặc, bia, tinh bột sắn, lốp xe máy, khoáng sản, dăm gỗ…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng 6 tháng đã đạt 188.881 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ, đạt 48,5% kế hoạch năm 2013, chiếm tỷ trọng 14,8% so với cả nước. Trong đó,3 tỉnh có mức bán lẻ cao hơn 20% là Đà Nẵng là 21,1%; Phú Yên 21%; Kon Tum trên 41%.
Kim ngạch nhập khẩu toàn vùng 6 tháng đạt 1.896,6 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ và đạt 46,8% kế hoạch năm 2013, chiếm tỷ trọng 3% so với cả nước.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn vùng có 2.069 chợ, 336 siêu thị, 91 trung tâm thương mại, 3.244 của hàng xăng dầu, 2.469 của hàng LPG, 41 tổng kho hàng hóa, 5 kho ngoại quan, 11 trung tâm hội chợ triển lãm thì, tính đến tháng 6/2013 toàn vùng đã thực hiện đầu tư so với quy hoạch là 1.301 chợ, đạt 62,9%; 128 siêu thị, đạt 38%; 14 trung tâm thương mại, đạt 15,4%; 2.041 của hàng xăng dầu, đạt 62,9%; 2.513 củ hàng LPG, đạt 101%; 9 tổng kho hàng hóa, đạt 22%; 3 trung tân hội chợ triển lãm đạt 27,3%.
Cần chính sách khuyến khích phát triển
Phát triển công nghiệp của các địa phương thời gian qua đã được Cục CNĐP phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh quan tâm đẩy mạnh và đã trực tiếp hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Tính đến tháng 6/2013, toàn khu vực đã thực hiện 101 đề án, giảm 19 đề án so với cùng kỳ năm 2012, trong đó, khuyến công quốc gia là 22 đề án; khuyến công địa phương là 79 đề án, với tổng kinh phí hỗ trợ toàn vùng là 5,5 tỷ đồng, đạt 17,3% kế hoạch năm. Tuy con số không lớn so với toàn vùng, nhưng phần nào nói lên được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước với địa phương, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh toàn vùng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, để phát triển nhanh, đảm bảo tính bền vững, theo kiến nghị của các Sở Công Thương 14 tỉnh thì Nhà nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào ngành dệt may, da giầy, mây tre lá trên địa bàn nông thôn, miền núi; chính sách phát triển CN, thương mại, du lịch và dịch vụ địa phương... Cùng với đó, duy trì việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật… nhằm thúc đẩy phát triển CN địa phương.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đánh giá cao hoạt động của 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung và Tây nguyên đã đạt được. Thứ trưởng cũng cho rằng, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2013 đề ra thì, chúng ta cần đưa ra nhóm giải pháp, thực hiện tốt Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng các quy hoạch phát triển ngành, đơn cử như quy hoạch thủy điện; đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được phê duyệt sớm đưa vào hoạt động, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Thứ tưởng đề nghị, Cục Công nghiệp địa phương đóng vai trò làm cầu nối giữa địa phương và Bộ, nên cần phối hợp chặt chẽ với các Sở Công Thương các tỉnh để tổng hợp các kiến nghị từ các địa phương, báo cáo Bộ Công Thương, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp để phát triển. Cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, nhất là các thiết bị máy móc sản phẩm trong nước sản xuất, nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu dùng. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện cuộc vận động, “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu các mặt hàng truyền thống vùng miền, đưa thương hiệu Việt lên tầm cao mới, đóng góp chung vào nền kinh tế, tiến tới hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.