Với nhận thức như vậy, để bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của cấp ủy viên các cấp trong nhiệm kỳ tới, Đảng ủy Bộ Công Thương đã ban hành Hướng dẫn số 110-HD/ĐU ngày 24/02/2020 hướng dẫn các tổ chức đảng trực thuộc tiến hành rà soát tiêu chuẩn chính trị phục vụ đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020-2025 và ban hành Quyết định số 28-QĐ/ĐUB ngày 15/01/2020 thành lập Tiểu ban nhân sự Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ III. Nội dung rà soát chính trị nội bộ bao gồm rà soát về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay của bản thân, gia đình, bám sát yêu cầu, nội dung tại Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ đảng”; Hướng dẫn số 19-HD/BTCTW ngày 12/9/2019 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 126-QĐ/TW. Việc rà soát yêu cầu phải được thực hiện thận trọng, công tâm, khách quan, toàn diện, đánh giá đúng về cán bộ, đảng viên; không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, đến hoạt động của cơ quan tổ chức; tránh sơ hở để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ; đồng thời luôn coi trọng công tác bảo vệ bí mật, đảm bảo an ninh, an toàn cho đại hội.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, trước thềm Đại hội, các cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, tạo cơ sở để thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ thường xuyên cũng như để phục vụ Đại hội đảng các cấp. Thực tế cho thấy, thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị nghiên cứu chưa sâu, quán triệt chưa kỹ, nên thực hiện quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ chưa nghiêm, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch hoạt động phá hoại, ảnh hưởng xấu đến tình hình nội bộ cơ quan, đơn vị. Do đó cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là Chỉ thị 39-CT/TW, ngày 18-8-2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”; Quy định 126-QĐ/TW, ngày 28-02-2018 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”. Thực hiện bảo vệ chính trị nội bộ cần gắn với triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Các tổ chức đảng phải luôn giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các vi phạm về chính trị nội bộ và các phát sinh về chính trị hiện nay.
2. Gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng đối với nhiệm vụ bảo vệ Đảng ở cơ quan, đơn vị. Đây là giải pháp hết sức quan trọng. Các cấp ủy phải coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, đảng viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị thấu hiểu sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp, Pháp luật của Nhà nước; nhận rõ tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay, âm mưu và những thủ đoạn “diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, những biểu hiện suy thái đạo đức chính trị, đạo đức lối sống, tư tưởng sai trái, nhận thức và hành động đi ngược với lợi ích của Đảng, của nhân dân, sự xâm nhập của tư tưởng phản động, lối sống thực dụng, các biểu hiện tiêu cực khác vào cơ quan. Từ đó, biết tự bảo vệ mình, kịp thời báo cáo tổ chức xem xét, giải quyết những vướng mắc nảy sinh theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Thường xuyên nắm bắt và quản lý chặt chẽ tình hình công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên. Đây cũng là một biện pháp quan trọng, thường xuyên trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Thực hiện tốt sẽ giúp cấp ủy, người đứng đầu đánh giá đúng về tình hình chính trị nội bộ của cơ quan, nắm chắc tình hình cán bộ đảng viên, có biện pháp phòng ngừa có hiệu quả với những hoạt động chống phá, phá hoại của các thế lực thù địch, phần tử xấu; kịp thời phát hiện những trường hợp có vấn đề cần xem xét về chính trị nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong nội bộ để chỉ đạo, thẩm tra xác minh kết luận rõ cho cấp ủy quyết định, bố trí, sử dụng cán bộ theo quy định. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác tổ chức cán bộ, chủ động ngăn ngừa các thế lực thù địch, phần tử xấu cài cắm, móc nối và nội bộ, phát hiện và kiên quyết đấu tranh, vô hiệu hóa những luận điệu, tài liệu nội dung bịa đặt, vu khống, nói xấu nhằm chia rẽ, hạ uy tín tổ chức đảng và đảng viên.
4. Lãnh đạo chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát, thẩm định, thẩm tra, xác minh kết luận về tiêu chuẩn chính trị nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới và đại biểu tham dự Đại hội Đảng cấp trên. Đây là một khâu rất quan trọng trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội đảng các cấp. Việc thẩm tra, thẩm định về tiêu chuẩn chính trị nhân sự giới thiệu làm quy trình bổ nhiệm cán bộ chủ chốt, nhân sự dự kiến cơ cấu vào cấp ủy khóa mới phải đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng. Qua rà soát, nếu phát hiện đảng viên có vấn đề cần xem xét về chính trị chưa được thẩm tra kết luận hoặc đã thẩm tra nhưng chưa kết luận phải kịp thời báo cáo với cấp ủy có thẩm quyền chỉ đạo việc thẩm tra kết luận trước khi tiến hành Đại hội. Đối với trường hợp phát hiện có dấu hiệu bị các thế lực thù địch, phần tử xấu cài cắm, móc nối, lôi kéo, mua chuộc phải báo cáo lên cấp trên để có các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời.
5. Thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Để thực hiện tốt công tác này, các cấp ủy, cơ quan cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền làm cho cán bộ đảng viên nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn thu thập bí mật nhà nước của các thế lực thù địch, phản động, không mơ hồ mất cảnh giác vô tình tiếp tay cho chúng. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy chế, quy định của đảng về bí mật nhà nước. Các văn kiện, tài liệu liên quan đến quá trình Đại hội đảng phải được đăng ký, quản lý chặt chẽ; có sự kết hợp, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn, góp phần ổn định chính trị từ cơ sở đồng thời có kế hoạch đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Đại hội.
Bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị, Điều lệ, nguyên tắc tổ chức của Đảng; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; ngăn chặn kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, phá hoại nền tảng tư tưởng, đường lối chính trị, phá hoại tổ chức đảng từ trong nội bộ, mua chuộc, dụ dỗ, khống chế cán bộ, đảng viên của Đảng.Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng sẽ góp phần xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh và tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025.