Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 2/5: Điểm nhấn xuất nhập khẩu và năng lượng
Công Thương và công luận 02/05/2022 10:44
Về chủ đề năng lượng, tờ Lao động có bài, Năng lượng gió từ mảnh đất phù sa ven biển. Bài báo cho biết, dù chưa có con số chính thức Đồng bằng sông Cửu Long đã hòa điện bao nhiêu nhà máy điện gió, cũng như đề xuất từ các tỉnh bãi bồi ven biển từ Long An đến Mũi Cà Mau được chấp thuận Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, với những trụ điện gió liên tiếp mọc lên, minh chứng cho điều năng lượng đã tràn đầy từ mảnh đất này.
Chia sẻ trên báo Lao Động, ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng - cho biết, tỉnh hiện có 20 dự án điện gió được phê duyệt, với tổng công suất 1.435MW, trong đó trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có đến 18 dự án. Đến nay, đã có 17 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 1.295,2MW và đang triển khai thi công 11 dự án. Hiện có 4 dự án hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại (gồm 26 trụ tua bin gió, tổng công suất 110,8MW).
Dự kiến, trong năm 2022, Sóc Trăng sẽ có thêm 6 dự án (tổng công suất 296MW) đưa vào vận hành thương mại, nâng tổng công suất hòa lưới điện quốc gia lên 436,8MW.
Riêng 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh ước đạt hơn 4,8 tỷ USD |
Liên quan đến giá xăng dầu, báo Thanh Niên có bài, Giá xăng dầu hôm nay 2/5/2022: Xăng trong nước lại tăng đến 800 đồng/ lít.
Theo đó, tại kỳ điều hành tới, dự kiến sau lễ là ngày 4.5, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng tốc từ 600 - 800 đồng/lít, các mặt hàng dầu mazut, dầu hỏa có thể giảm nhẹ. Một lãnh đạo công ty đầu mối xăng dầu phía nam cho hay, mức tăng giá xăng dầu có thể thay đổi tùy mức trích lập và chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dự kiến kỳ này, đối với mặt hàng xăng RON95, mức trích quỹ cao nhất khoảng 500 đồng/lít.
Liên quan đến vấn đề xuất khẩu, tờ Tin tức có bài: Tận dụng hiệu quả UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh. Bài báo dẫn thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, sau 2 năm bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, năm 2021 thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã hồi phục trở lại mức gần 6,6 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,7 tỷ USD tăng 16,4% so với năm 2020.
Đáng lưu ý, các nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng cao gồm rau, quả tăng 67%, cà phê tăng 17%, hạt tiêu tăng 49%, sản phẩm mây, tre, cói, thảm tăng 56%, sắt thép nguyên liệu tăng 1.269%, sản phẩm thép tăng 100%, đồ chơi và dụng cụ thể thao tăng 19%. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này cũng có kết quả tích cực với tổng kim ngạch đạt gần 850 triệu USD, tăng 23,6% so với năm 2020.
Riêng 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh ước đạt hơn 4,8 tỷ USD với các nhóm hàng chủ lực là thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, các sản phẩm từ chất dẻo, hàng may mặc, giày dép, sắt thép, điện thoại, máy vi tính, máy móc thiết bị phụ tùng, đồ chơi và dụng cụ thể thao.
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả hơn nữa những cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sản phẩm và quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn Anh. Đồng thời, doanh nghiệp nên tuyển dụng sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại Anh và tham dự hội chợ chuyên ngành quốc tế để giới thiệu sản phẩm cũng như gặp gỡ khách hàng tiềm năng.
Tờ Đầu tư có bài: Doanh nghiệp Mỹ ưu tiên đặt hàng Việt Nam. Theo bài báo, Quý I/2022, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,57 tỷ USD, chiếm 28,87% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này một lần nữa cho thấy, các nhà nhập khẩu Mỹ coi trọng nguồn cung ứng hàng hóa từ Việt Nam.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) nhấn mạnh, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ những năm gần đây có chuyển biến rõ nét. Ngoài những nhóm hàng thế mạnh truyền thống như dệt may, giày dép, thủy sản, thì các nhóm hàng chế tạo như điện tử, linh kiện, đồ gỗ cũng đã vươn lên vị trí hàng đầu. Hiện có 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ vượt 1 tỷ USD, trong đó có 3 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD. Ba nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất là máy móc - thiết bị (17,82 tỷ USD); dệt may (16,1 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (12,76 tỷ USD).
Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu nhiều tỷ USD sản phẩm gỗ, nông thủy sản từ Việt Nam, trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 8,77 tỷ USD, thủy sản hơn 2 tỷ USD, hạt điều hơn 1 tỷ USD.
Những chuyến bay thương mại đã được nối lại, đưa nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam sau gần 2 năm đại dịch. Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2022 hồi đầu tháng 3/2022 đã có sự xuất hiện trở lại của đại diện cấp cao doanh nghiệp Mỹ và điều này cho thấy, Việt Nam là thị trường cung ứng hàng hóa ngày càng quan trọng với Mỹ.