Hơn nữa, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 diễn ra đã giúp các DN cũng như người dân nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số bởi quá trình xử lý công việc đa phần được thực hiện qua điện thoại thông minh, máy tính.
Trên thực tế, quá trình chuyển đổi số đó đã diễn ra nhiều năm qua ở nhiều mức độ khác nhau. Đầu tiên là mức độ số hóa thông tin, cao hơn nữa là số hóa quy trình nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả. Chuyển đổi số mang lại cho DN hoạt động hiệu quả hơn và tăng tính minh bạch trong sản xuất kinh doanh. Tạo ra giá trị mới, tạo ra mô hình tăng trưởng mới giúp cho mọi người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, tiếp cận tri thức mà công cuộc chuyển đổi số mang lại.
Với nhiệm vụ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang đến cho khách hàng những dịch vụ tiện ích nhất. Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam) đã từng bước áp dụng công nghệ số vào các lĩnh vực số hoá dữ liệu gồm tất cả dữ liệu về văn hóa DN, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, quản lý kỹ thuật, tổ chức nhân sự, công trình ĐTXD, tài sản, 100% nghiệp vụ làm trên môi trường mạng, với các hồ sơ văn bản giấy được số hoá kèm chữ ký số. Việc tương tác giữa các cấp đơn vị, phòng ban trên không gian số dựa trên những dữ liệu và quy trình đã được số hoá, tạo ra quy trình khép kín, loại bỏ tất cả khâu trung gian.
PC Hà Nam đã xây dựng và duy trì nền tảng văn hóa DN vững chắc thích ứng với sự thay đổi của DN tạo ra điểm nhấn phát triển văn hóa số. Đồng thời, phối hợp giữa phông văn hóa, con người, quy trình và nhiệm vụ của mỗi CBCNV-NLĐ để luôn đảm bảo sự đồng bộ giữa các yếu tố khi song hành cùng công nghệ phát triển. Trong đó, Ban lãnh đạo công ty là đội ngũ tiên phong xây dựng hình ảnh chuẩn mực về phong cách và sự nhạy bén trong việc chủ động tiếp cận và triển khai lộ trình chuyển đổi số. Điều này đang thúc đẩy hiệu ứng mạnh mẽ đến tâm lý chuyển đổi số của CBCNV.
Trong công tác dịch vụ khách hàng, chuyển đổi số đã giúp cho khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến một cách nhanh chóng, thuận tiện và khách hàng giám sát được tiến trình giải quyết các yêu cầu dịch vụ của mình. Thay vì phải đến trụ sở điện lực, khách hàng đã có thể thực hiện mọi thao tác, yêu cầu về cấp điện mới như: Cấp điện hạ áp, trung áp, thay đổi công suất, đổi chủ thể, gia hạn, chấm dứt hợp đồng mua bán điện, tạm ngừng sử dụng điện, ký hợp đồng điện tử qua xác nhận tin nhắn OTP, thanh toán tiền điện, dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, web CSKH, APP CSKH, Zalo. Công tác chăm sóc khách hàng được thực hiện thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động, qua tin nhắn SMS, zalo, email…
Tính đến tháng 10/2021, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt toàn PC Hà Nam đạt 78%, tương ứng 258.903 khách hàng, công tơ đọc xa để khách hàng tự tra cứu được là: 103.472 trên tổng số 106.361 công tơ điện tử có dữ liệu đọc xa về trung tâm chăm sóc khách hàng, đạt tỷ lệ 97,28% trên tổng số công tơ điện tử tạo thuận lợi trong việc khách hàng tự giám sát, kiểm tra lượng điện tiêu thụ hàng tháng và số tiền điện phải thanh toán. Đến hết tháng 10/2021, công tơ đọc xa để khách hàng tự tra cứu được là: 103.472 trên tổng số 106.361 công tơ điện tử có dữ liệu đọc xa về trung tâm chăm sóc khách hàng, đạt tỷ lệ 97,28%.
Trong công tác hồ sơ lưu trữ, số hoá hồ sơ là bước đi tất yếu đối với mọi DN. Số hoá hồ sơ sẽ khắc phục triệt để các tồn tại của hình thức lưu trữ truyền thống, nâng cao tuổi thọ của tài liệu gốc cũng như tiết kiệm diện tích lưu trữ. Hồ sơ tài liệu đã qua các bước sàng lọc chỉnh lý trên 8.000 cặp tài liệu đã được sàng lọc chỉnh lý xuống còn trên 6.000 cặp. Để việc chỉnh lý đảm bảo chính xác, PC Hà Nam đã từng bước số hóa tài liệu lưu trữ được hơn 200 cặp và hoàn thành 100% tự sàng lọc, sắp xếp, phân loại chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng và 100% hồ sơ giấy đã chỉnh lý.
Điều hành Trung tâm ĐKTX đảm bảo chất lượng cung ứng điện và dịch vụ khách hàng |
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công ty củng cố hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông dùng riêng (VTDR) đảm bảo hạ tầng mạng truyền dẫn năng lực mạnh, đáp ứng nhu cầu kết nối các hệ thống viễn thông, CNTT, hệ thống đo đếm, tự động hóa lưới điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực của công tác quản lý điều hành về ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn công ty, đáp ứng tính sẵn sàng cho lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022.
Trong công tác kỹ thuật, PC Hà Nam đang chú trọng ứng dụng CNTT vào quản lý kỹ thuật ngoài hiện trường như: Kiểm tra đường dây và TBA phân phối; công tác thí nghiệm, kiểm định an toàn thiết bị, sử dụng công nghệ hotline để hạn chế thời gian cắt điện để vệ sinh, bảo dưỡng công nghiệp; kết nối điều khiển từ xa các thiết bị đóng cắt trên lưới điện qua mạng 3G, 4G để giảm thời gian và con người phục vụ cho việc thao tác; lắp đặt thiết bị cảnh báo sự cố để nhanh chóng phát hiện ra các điểm sự cố trên đường dây trung thế.
PC Hà Nam đã đưa vào vận hành 9 TBA 110kV không người trực. Riêng đối với TBA 110kV xây dựng mới thì bắt buộc thiết kế theo tiêu chí không người trực nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện truyền tải. Trên lĩnh vực an toàn kỹ thuật, từ tháng 3/2021 công ty đã đưa vào vận hành phần mềm quản lý máy biến áp, đến tháng 6/2021, công ty đã cập nhật đồng bộ chuẩn hóa 100% máy biến áp và đã khai thác phần mềm quản lý máy biến áp để cập nhật các biến động trên lưới phân cấp khai thác thông số vận hành theo dõi lệch pha, phân phối điện trên hệ thống.
Tự động hoá lưới điện trung áp, củng cố trung tâm dữ liệu, máy chủ, đường truyền... Đảm bảo tất cả các hệ thống trong kế hoạch chuyển đổi số vận hành ổn định khi đưa vào khai thác và triển khai diện rộng. Đảm bảo an toàn an ninh mạng khi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được đưa lên không gian số.
Nỗ lực chuyển đổi số của PC Hà Nam là xu thế tất yếu trong bối cảnh hướng tới xây dựng chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo cũng như sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của các đơn vị và sự đồng lòng tập thể CBCNV. PC Hà Nam tin rằng công cuộc chuyển đổi số tại công ty thành công hơn mong đợi.