Hoàn thành vượt các chỉ tiêu
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Sơn La đã kịp thời ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Đáng chú ý, thời gian qua, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu và gian lận thương mại tại tỉnh Sơn La tuy không nổi cộm, nhưng vẫn còn xảy ra. Cụ thể, một số vi phạm chủ yếu về niêm yết giá, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, buôn bán vận chuyển hàng hoá không có nguồn gốc hợp pháp, vi phạm về nhãn, vi phạm về an toàn thực phẩm… mang tính chất nhỏ lẻ đã được Cục Quản lý thị trường Sơn La phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Theo Cục Quản lý thị trường Sơn La, kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã kiểm tra tổng số 695 vụ giảm 107 vụ so với cùng kỳ năm 2023, đã xử lý 597 vụ giảm 59 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền thu phạt: 1.504.100.000 đồng bằng 57,36% so với cùng kỳ năm 2023. Trị giá hàng hoá vi phạm: 580.518.000 đồng. Cục đã nhập lên trên hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS): Tổng Hồ sơ vụ việc nhập/vụ việc thực tế là: 695/695 hồ sơ; Số tiền xử phạt đã nhập/số tiền xử phạt thực tế: 1.448.850.000đ/1.448.850.000đ.
Cục Quản lý thị trường Sơn La tiến hành tiêu huỷ bình khí N2O là hàng hoá vi phạm hành chính. |
Trao đổi với Vuasanca , ông Nguyễn Viết Thông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Sơn La cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường góp phần bình ổn thị trường, giá cả, đảm bảo chất lượng, an toàn của hàng hoá phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý: 258 vụ; tổng số tiền xử phạt: 802.350.000 đồng; tổng trị giá hàng hoá vi phạm là 456.269.000 đồng.
"Nêu cao tinh thần trách nhiệm, Cục Quản lý thị trường Sơn La đã triển khai, thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh trong công tác đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác. Cùng với đó, chúng tôi đã triển khai phối hợp có hiệu quả với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng, thuốc bảo vệ thực vật, vàng bạc, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử,..." - ông Nguyễn Viết Thông cho hay.
Tuy nhiên, trong quá trình công tác vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Địa bàn quản lý rộng, lực lượng thanh kiểm tra mỏng và thiếu, giao thông đi lại ở các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật của một số bộ phận người dân còn hạn chế ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ của các đơn vị còn thiếu, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giám định, kiểm định chất lượng hàng hoá ảnh hưởng không nhỏ đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong hoạt động quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng có liên quan đã được tăng cường, nhưng chưa được thường xuyên và kịp thời...
Tập trung giải pháp cho 6 tháng cuối năm
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong 6 tháng cuối năm 2024, Cục Quản lý thị trường Sơn La sẽ tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ; hoạt động kinh doanh các nhóm hàng hóa thực phẩm, lương thực, xăng dầu, vật tư nông nghiệp, mỹ phẩm, quần áo và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Cục Quản lý thị trường Sơn La tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng,... |
Đồng thời, triển khai các phương án phối hợp với các lực lượng chức năng khác để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động vận chuyển hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, nhất là tập trung ngăn chặn hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm giống, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu và thực phẩm nhập lậu.
Đẩy mạnh số hoá, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đảm bảo có trọng tâm, hiệu lực hiệu quả. Ngoài ra, lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp pháp, giữ ổn định chỉ số giá hàng hóa, phù hợp với chỉ số giá chung của cả nước.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp về kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, không để biến động về giá, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân.
Song song với đó, Cục Quản lý thị trường Sơn La sẽ tiếp tục xây dựng lực lượng theo hướng chuyên sâu, vững về chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính để đáp ứng yêu cầu công tác, kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường.