Cuộc chiến chống “giặc nội xâm”: 10 năm không ngừng nghỉ- Bài 1: Gian nan cuộc chiến chống “giặc nội xâm” |
Với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, từ năm 2013 đến nay, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (sau đổi thành Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gọi tắt là Ban chỉ đạo Trung ương) đã tạo ra nhiều bước đột phá trong cuộc chiến chống “giăc nội xâm, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận…
Thu hồi hơn 6 vạn tỷ đồng từ các vụ việc tham nhũng, tiêu cực dược phát hiện
Theo số liệu của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 170.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.400 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật gần 200 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có nhiều Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 45.000 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 1.000.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật…
Chỉ tính riêng trong năm 2022 vừa qua, các cơ quan chức năng của Đảng đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV); các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút…
10 năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương đã đưa gần 1.000 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo gần 200 vụ án, hơn 100 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1.083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý…
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi hơn 60.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (trong khi năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%...
Cả xã hội cùng vào cuộc
Theo đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì nguyên nhân cơ bản của những kết quả đã làm được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, mà trực tiếp, thường xuyên là sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước.
Cùng với đó là sự gương mẫu, "nói đi đôi với làm" của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; là sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà trước hết là kiểm tra Đảng, nội chính, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương.
Kết quả này có được là sự kế thừa, tiếp nối của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên trì, bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ trước đây. Đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, báo chí và toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
Đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá, nếu không có quyết tâm, không có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự đồng lòng thống nhất cao, sự nêu gương của cả tập thể Ban Chỉ đạo thì chắc chắn cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không đạt được kết quả như vừa qua. Đây là bài học rất quý mà chúng ta rút ra từ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua. Sự quyết tâm, quyết liệt của Ban Chỉ đạo thể hiện ở sự kiên trì, kiên quyết "không dừng, không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" và không chịu bất kỳ sức ép của cá nhân, tổ chức nào không trong sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu trước các đảng viên, các cử tri và đồng bào cả nước rằng, rất đau xót khi phải xử lý kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, nhưng vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật, vì niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, cho nên buộc phải làm “chặt một cành sâu để cứu cả cây, chặt một vài cây để cứu cả cánh rừng”.
Kết luận số 19, ngày 14/10/2021, của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV chỉ rõ: Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.
Các cơ quan thông tin đại chúng, trong đó có Vuasanca đã thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ tính riêng trong năm 2022, các cơ quan báo chí đã đăng tải 11.607 tin bài, phóng sự về kết quả nổi bật của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tăng hơn 2 lần so với năm 2021). Qua đó khẳng định và lan tỏa quyết tâm của Đảng, Nhà nước; tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường giám sát các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 được tổ chức vào cuối tháng 6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những bài học thành công trong công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta là phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; của nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân là gốc”; dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không đơn giản “theo đuôi”, chạy theo dư luận…
“Trên dưới, đồng lòng, dọc ngang thông suốt”
Mười năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp 23 phiên. Mỗi lần họp, quân dân cả nước lại trông mong, chờ đợt những quyết sách lớn. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã đươc bổ sung thêm nhiệm vụ là phòng chống tiêu cực.
Giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã họp phiên thứ 23 dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, qua 10 năm, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhận thức ngày càng sâu, quyết tâm ngày càng cao hơn, cách làm ngày càng bài bản, lớp lang hơn, số lượng vụ án đưa ra xử lý ngày càng nhiều trên hầu hết các lĩnh vực, trên cả các địa phương.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình nhưng vẫn đủ răn đe và giáo dục, ngăn ngừa là chính. “Xử là phải xử nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với lương tâm, tình cảm chứ không phải cứ xử nặng mới là tốt”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Từ thực tiễn chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Để công tác này tiến hành hiệu quả, cần có sự phối hợp rất nhịp nhàng “trên dưới, đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, phải giáo dục, phải có cách làm đặc biệt, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp càng cao, càng phải gương mẫu giữ mình trong sạch. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải gương mẫu đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.
Bài 3: Sử dụng hiệu quả các loại vũ khí