Tiềm năng lớn của nông sản Cao Bằng
Cao Bằng có khoảng 150.000 ha đất có khả năng phát triển nông nghiệp, diện tích cây trồng chính gần 90.000 ha, chủ yếu là cây lương thực; nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, đặc hữu mà các địa phương khác không có hoặc nếu có thì chất lượng khác hẳn.
Đặc biệt, việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh rất thuận lợi, bởi đa số diện tích đất canh tác chưa bị ảnh hưởng bởi các chất hóa học độc hại do con người tạo ra trong quá trình canh tác. Đây cũng là điều kiện để nông sản Cao Bằng có được chất lượng vượt trội hơn nhiều địa phương khác.
Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm quảng bá, giới thiệu, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ hình thành thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Các loại nông sản thế mạnh của Cao Bằng |
Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã có 58 sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh; đang tổ chức xét, công nhận thêm 38 sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP của Cao Bằng thành công về bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đơn cử như các sản phẩm miến dong Tân Việt Á của Hợp tác xã Tân Việt Á; sản phẩm lạp sườn, thịt hun khói của Hợp tác xã Tâm Hòa; sản phẩm chiếu trúc của Công ty TNHH 688 Cao Bằng, được tiêu thụ rộng rãi, ổn định tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, xây dựng một số mô hình liên kết bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn đã bước đầu đạt hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Đơn cử như doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm đã liên kết, bao tiêu sản phẩm gạo nếp hương của nông dân, xây dựng thương hiệu, bao bì sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.
Từ năm 2020, sản phẩm gạo Nếp Hương Bảo Lạc đã được cấp chứng nhận sản phẩm 3 sao OCOP, sản phẩm được thị trường chấp nhận, tiêu thụ tốt. Sau khi được hỗ trợ bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm, diện tích trồng gạo nếp hương tại huyện Bảo Lạc đã tăng khoảng năm lần, đạt 165 ha/vụ, năng suất bình quân 3,2 tấn/ha, năng suất thấp hơn lúa lai, nhưng giá bán cao gần gấp ba lần, mang lại thu nhập tốt cho người nông dân.
Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng cũng tích cực đưa nông sản lên tiêu thụ ở các sàn thương mại điện tử có uy tín. Đơn cử, năm 2022, Bưu điện tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ đưa hơn 330 sản phẩm nông sản địa phương lên sàn thương mại điện tử Postmart, trong đó chủ yếu là sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh như: thạch đen, lạp sườn, hạt dẻ, miến dong, bún khô, bí thơm, dao Phúc Sen, trà, nhóm mặt hàng tinh dầu, rượu ngô, mác mật, hoa hồi khô, giảo cổ lam, nấm hương rừng, gạo nếp, thịt hun khói… Số truy cập và đăng ký mua hàng trung bình đạt hơn 1.000 lượt người/tháng, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 10.823 lượt truy cập.
Trong quá trình thực hiện, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với các cấp Hội Nông dân rà soát, đưa hộ sản xuất nông nghiệp có đặc sản, chất lượng lên sàn thương mại điện tử; tổ chức 23 hội nghị, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử đến thôn, xóm, xã.
Đặc biệt, hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia 10/10, toàn hệ thống sàn Postmart triển khai các chương trình ưu đãi. Cụ thể, người mua được miễn phí 50% phí vận chuyển, được giảm giá đến 70% và cơ hội nhận được sản phẩm ưu đãi 0 đồng vào các khung giờ vàng của sàn Postmart. Người bán được hỗ trợ tối đa việc quảng bá sản phẩm rộng rãi với chi phí 0 đồng trên toàn quốc thông qua chương trình khuyến mại, thúc đẩy việc tiêu thụ nhanh sản phẩm, tránh ùn ứ nông sản tại các địa phương.
Nhờ đó, người nông dân trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện để phối hợp, lựa chọn giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu trên sản thương mại điện tử. Trong đó, đã có một số mặt hàng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng như: gạo nếp, miến dong, lạp sườn, bánh khảo, bánh trưng, khẩu sli, thạch đen, rau củ quả tươi.
Ngoài ra, Bưu điện tỉnh còn chủ động phối hợp để tiêu thụ hơn 20 tấn bí thơm cho người nông dân tại huyện Thạch An đến thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Thái Nguyên và Hà Giang. Đồng thời, triển khai chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm theo mùa vụ, trung bình mỗi mùa có ít nhất 1 sản phẩm được kết nối tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc thông qua sàn thương mại điện tử Postmart và mạng lưới Bưu điện.
Tiếp tục mở rộng đầu ra cho nông sản
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản địa phương, hiện tỉnh Cao Bằng đã có kiến nghị với bộ, ngành Trung ương đàm phán với cơ quan hữu quan của phía Trung Quốc để xúc tiến, tiến tới xuất khẩu chính ngạch trâu, bò thịt sang thị trường nước bạn, tạo cơ hội để phát huy tiềm năng, lợi thế chăn nuôi đại gia súc của địa phương.
Riêng Bưu điện tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền của tỉnh cũng như các loại hàng hóa khác ngoài nông sản; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn, thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị; quảng bá hình ảnh địa phương, nét văn hóa dân tộc vùng miền đặc trưng tại Cao Bằng và lan tỏa nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh Cao Bằng. Tìm kiếm thêm các sản phẩm tiềm năng của các hộ kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp đến từng thôn, xóm, xã để tiêu thụ trên mạng lưới thương mại điện tử của bưu điện.
Các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được khuyến cáo luôn không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng hàng hóa, đồng thời đổi mới các giải pháp nâng cao năng lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Thành phố rất mong nhận được sự cộng tác của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trong việc cung cấp tin bài, hình ảnh liên quan đến sản phẩm đồng thời đánh giá, phản hồi và cho ý kiến về nội dung của chuyên mục để chuyên mục ngày càng phong phú và thực sự hữu ích đối với cộng đồng.