Sức ép chi phí nguyên liệu đầu vào
Các cơ sở sản xuất bánh kẹo, thực phẩm truyền thống trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã bắt đầu bước vào cao điểm sản xuất phục vụ các đơn hàng Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022.
Nhiều đơn vị sản xuất thực phẩm, hàng đặc sản Tết tại Đà Nẵng đã bắt đầu vào mùa sản xuất phục vụ thị trường cuối năm (Ảnh chụp tại khu vực sản xuất công ty Vinseed) |
Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong năm gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, các đơn vị đang chịu sức ép lớn từ việc chi phí nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất đang tăng mạnh.
Cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (200/1 Ông Ích Đường, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) hiện đã nhận các đơn hàng và bước vào mùa sản xuất phục vụ hàng tết. Ông Huỳnh Sol – Chủ cơ sở cho biết, nếu như mùa Tết mỗi năm đơn vị sản xuất, cung ứng ra thị trường khoảng 300.000 sản phẩm (gói) bánh khô mè các loại, thì năm nay, vì tình hình dịch Covid – 19, đơn vị chỉ sản xuất khoảng hơn 150.000 sản phẩm, nhân công cũng theo đó phải giảm. “Đơn vị đã nhận đơn hàng Tết và cũng đã có đơn đặt. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp và đại lý vẫn trong trạng thái vừa làm vừa lo. Làm để phục vụ Tết, nhưng lo dịch sẽ còn bùng phát”, ông Sol nói và cho biết thêm một vấn đề đơn vị đang phải đối mặt hiện tại đó là chi phí nguyên liệu sản xuất đầu vào hiện đều đang tăng mạnh. “Tất cả mọi nguyên liệu đều tăng giá. Hiện chúng tôi đang cố gắng cân đối để bình ổn, không tăng giá sản phẩm vừa để phục vụ người tiêu dùng, vừa để giữ chân đối tác”, ông Sol cho hay.
Tại cơ sở sản xuất bánh ngọt Mỹ Phương - Mỹ Phương Foods (Hòa An, Cẩm Lệ), đơn vị cũng đang gặp khó do chi phí sản xuất đầu vào tăng. Bà Mai Thị Ý Nhi – Chủ cơ sở cho biết giá các nguyên, vật liệu đầu vào đều tăng mạnh như đường, bột, dừa, bao bì…, mức tăng giá nguyên liệu lên tới 30 – 40%, có một số nguyên liệu thiếu hụt cục bộ như bột, dừa. “Nhờ đơn vị luôn có sự chủ động trong chuẩn bị nguồn nguyên liệu nên hiện tại vẫn đảm bảo cho sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ sản phẩm ra thị trường”, bà Nhi cho hay.
Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng tạo áp lực lớn cho các đơn vị sản xuất tại TP. Đà Nẵng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang phức tạp, các cơ sở sản xuất hàng phục vụ tết vừa làm vừa lo (Ảnh chụp tại cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ) |
Tương tự, công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed (Hòa Xuân, Cẩm Lệ) – chuyên sản xuất các sản phẩm đông trung hạ thảo đã bắt đầu nhận những đơn hàng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Đơn vị cũng đang gặp phải vấn đề các nguyên, vật liệu đồng loạt tăng. Theo ông Nguyễn Thiện Khiêm – Phó Giám đốc Công ty, nhờ đã có thời gian hợp tác và uy tín, một số nhà cung ứng nguyên liệu của công ty vẫn đang dành giá ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhờ vậy, giá các nguyên liệu này giữ được giá cũ hoặc chỉ tăng ít. “Tuy nhiên, giá các nguyên liệu sản xuất bao bì (giấy), nhãn mác… lại tăng mạnh tới 30%”, ông Khiêm cho hay.
Tiết giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa kênh bán hàng để giữ giá bình ổn
Theo Phó Giám đốc Công ty Vinseed, mặc dù lo lắng dịch Covid – 19 sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ chung của thị trường nhưng hiện tại công ty vẫn duy trì được tiến độ cung ứng và tiêu thụ sản phẩm theo kế hoạch nhờ mở rộng thêm kênh phân phối, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử lớn. Đặc biệt, đơn vị đã linh động thiết kế những gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường và vừa với túi tiền của người tiêu dùng nhưng không để ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. “Tết năm trước mỗi gói sản phẩm của đơn vị thấp nhất là từ 800.000 đồng/giỏ quà, nhưng năm nay chúng tôi điều chỉnh chỉ từ hơn 500.000 đồng đến hơn 3.000.000 đồng tùy theo nhu cầu của khách hàng trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm”, ông Khiêm chia sẻ và cho biết thêm, để phục vụ thị trường Tết, đơn vị đang nghiên cứu sẽ phối hợp với một số đơn vị cung cấp các loại hạt (hạt điều, hạt dẻ cười, hạt óc chó….) để làm đa dạng hóa các sản phẩm trong giỏ quà, hợp quà với mức giá hợp lý.
Nhờ đầu tư hệ thống máy móc tự động, cơ sở Mỹ Phương Foods (Đà Nẵng) đã tiết giảm hiệu quả chi phí sản xuất, giảm nhân công, tăng năng suất và giữ giá sản phẩm ổn định dù giá nguyên liệu tăng mạnh |
Bà Mai Thị Ý Nhi – Cơ sở Mỹ Phương Foods cho biết mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ giá, đẩy sản lượng, tiết giảm chi phí sản xuất, tự động hóa sản xuất tăng năng suất sản xuất để bù cho phần chi phí gia tăng. Nếu tăng giá nữa thì khó cạnh tranh. Theo bà Nhi, dịp Tết, các mặt hàng bánh kẹo luôn có thị trường lớn hơn bình thường. Dù chịu cạnh tranh với hàng ngoại nhập nhưng hiện người tiêu dùng đã có sự ưu tiên trong tiêu dùng hàng Việt. Đặc biệt là xu hướng của người tiêu dùng đang chuyển về dùng các mặt hàng đặc sản. “Nhờ áp dụng tự động hóa trong sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, mở rộng kênh phân phối qua các đại lý bán lẻ, đơn vị đã nhận được nhiều đơn đặt hàng Tết, sản lượng hiện đã tăng hơn 30% so với ngày thường. Sản phẩm sản xuất ngày nào xuất hết ngày đó”, bà Nhi vui mừng chia sẻ.
Bà Nhi thông tin thêm, sản phẩm của đơn vị chủ yếu phục vụ cho du lịch và xuất khẩu, không bán lẻ. Covid – 19 khiến nhiều nhà phân phối truyền thống của đơn vị buộc phải hủy đơn. “Nhưng cũng trong khó khăn đó, đơn vị đã quay sang phát triển kênh bán lẻ vào các cửa hàng tạp hóa lẻ ở các địa phương. Sản phẩm của chúng tôi đã phủ khắp các tỉnh thành. Đặc biệt tại miền Bắc”, bà Nhi nói. Hiện, đơn vị cũng đã tiếp cận với phương thức bán hàng trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử, nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn ổn định.
Ngoài tiết giảm chi phí sản xuất, mở rộng kênh bán hàng, nhiều cơ sở sản xuất chú trọng phát triển thêm sản phẩm mới. “Năm nay đơn vị phát triển thêm một sản phẩm mới đó là bánh khô mè trắng/đen từ gạo lứt để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thêm lựa chọn cho người tiêu dùng khi mua biếu tặng, thờ cúng”, ông Huỳnh Sol – Cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ cho biết.
Ngoài nỗ lực duy trì, tăng sản lượng, tạo sản phẩm mới, các đơn vị sản xuất thực phẩm truyền thống tại TP. Đà Nẵng đảm bảo nghiêm ngặt quy trình sản xuất thực phẩm an toàn (Ảnh chụp tại công ty Đô 37) |
Các cơ sở sản xuất thực phẩm cũng đồng thời cho biết việc sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Oanh – Chủ cơ sở sản xuất nông sản sạch Đô 37 (Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn) cho hay ngoài các sản phẩm truyền thống như ngũ cốc, tinh bột nghệ, các loại hạt, năm nay, khi đến mùa Tết, đơn vị cơ sở sản xuất thêm sản phẩm thịt khô gà ta đóng hộp với số lượng lớn để cung ứng ra thị trường. “Năm nay, đơn vị đặt mục tiêu cung ứng 3 – 5 tấn khô gà phục vụ người tiêu dùng. Năng suất tăng cao nhưng an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là ưu tiên số 1”, bà Oanh nói.