Thích ứng trong bối cảnh bình thường mới
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã xuất hiện khắp các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã gây nên rất nhiều khó khăn lên đời sống, an sinh xã hội. Nhiều DN trong vùng rơi vào tình thế khó khăn, sản xuất đình trệ, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm nhất là các DN thủy sản.
DN cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để nhanh ổn định sản xuất |
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho thấy, kể từ khi Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 4 toàn bộ 13 tỉnh thành phố vùng ĐBSCL đã phải “đóng băng” hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian dài. Có gần 90% DN trong vùng tạm ngừng hoạt động. Các DN có thể duy trì hoạt động thực hiện “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” cũng chỉ sản xuất từ 5 - 10% công suất. Hiện chỉ còn khoảng 250 DN hoạt động cầm chừng trong tổng số 75.000 DN tại ĐBSCL.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, nếu so sánh về tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể thì vùng ĐBSCL hiện cao gấp 2 lần so với bình quân cả nước. Doanh thu của hầu hết các DN vùng ĐBSCL còn hoạt động đều giảm sút 40- 50%.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, VCCI Cần Thơ đã thành lập tổ công tác ứng phó dịch Covid-19 nhằm theo dõi những tác động, ảnh hưởng đến kinh tế và DN ĐBSCL, từ đó thu thập dữ liệu, xây dựng các báo cáo tình hình thực tế của DN để chính quyền các địa phương kịp thời nắm bắt, có hướng tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia kinh tế cho rằng yêu cầu mở cửa, tạo điều kiện cho DN khôi phục kinh tế, lo sinh kế cho người dân trong trạng thái “bình thường mới” là cách tiếp cận đúng đắn, nhưng thách thức mới sẽ nặng nề hơn. DN trở lại sản xuất, hoạt động mua bán được khôi phục, làn sóng hồi hương số lượng lớn người lao động từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông về ĐBSCL diễn ra trong thời gian ngắn tạo sức ép cho bài toán phát triển kinh tế xã hội của vùng. Song thay đổi tư duy phòng tránh dịch bằng cách “thích ứng an toàn” là chọn lựa duy nhất. Có hoạt động kinh tế, sinh kế thì mới có sức khỏe chống dịch.
Bên cạnh đó, do tính chất liên vùng, dịch bệnh trong vùng ĐBSCL cũng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến TP. Hồ Chí Minh và miền Ðông Nam Bộ khi vùng này đang mở cửa hoạt động kinh tế và du lịch, thu hút lượng lớn lao động quay trở lại làm việc. Liên tục trong những ngày gần đây số ca mắc Covid- 19 của các tỉnh thành trong vùng liên tục tăng cao. Cụ thể như 28/11 tỉnh Vĩnh Long lập đỉnh dịch với 545 ca F0 đã buộc địa phương này nâng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh từ mức 2 lên cấp 3, thời gian áp dụng từ ngày 30/11. Hay thành phố Cần Thơ trong 5 ngày từ ngày 24 -28/11 ghi nhận hơn 5.200 ca F0...
Trước tình hình dịch diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều tỉnh thành trong vùng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương và người dân không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch. Từng địa phương phải có kịch bản và chủ động triển khai thực hiện theo yêu cầu, phù hợp diễn biến mỗi nơi.
DN linh hoạt thích ứng và cần sự đồng hành
Dù còn rất nhiều khó khăn khi đối phó với dịch bệnh, nhưng đến nay sau gần 2 tháng bước vào giai đoạn bình thường mới, các tỉnh thành trong vùng và cộng đồng DN cũng đã chuẩn bị tâm thế trong giai đoạn sản xuất, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng với đại dịch.
Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần RYNAN Technologies Vietnam trong bối cảnh vừa chống dịch vừa đảm bảo an toàn sản xuất công ty cũng xây dựng mô hình “2 xanh, 1 sạch” (nhà xưởng xanh, chỗ ở xanh, nhân viên sạch). Đối với sản xuất, áp dụng rất nhiều biện pháp quản trị, kiểm soát rủi ro, chi phí, chuyển đổi số để vẫn duy trì được hoạt động sản xuất và có thêm cơ hội dù ở giai đoạn thị trường chung khó khăn vì dịch.
Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất nhiều DN nhất là các DN sản xuất, xuất khẩu thủy sản đã lựa chọn khôi phục sản xuất theo lộ trình. Theo đó, trong số các loại hình kinh doanh, DN chọn ra nhóm sản phẩm có nhu cầu cao nhất của thị trường thời điểm hiện tại để phát triển, lấp chỗ trống cho những phân khúc đang bị đứt gãy.
Mặc dù đã cố gắng để phục hồi sản xuất, tuy nhiên quá trình hồi phục sản xuất của DN cũng không ít gian nan và DN cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ nữa để ổn định sản xuất nhanh, hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ DN, theo nhiều chuyên gia mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra không ít giải pháp và tổng lực hỗ trợ DN như các chính sách về gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay... nhưng sự hấp thụ các chính sách này của DN còn chậm. Bởi các DN cho rằng việc giảm lãi vay chỉ phù hợp đối với DN vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất, dòng tiền chưa bị suy kiệt. Hoặc như chính sách giảm thuế thu nhập DN cũng chỉ áp dụng cho DN còn ghi nhận lãi. Bởi vậy, khi DN rơi vào tình trạng đóng cửa thì việc giảm thuế không còn ý nghĩa. Điều mong mỏi nhất của DN lúc này là tiếp tục được “cấp cứu” dòng tiền thông qua chính sách tiền tệ như giảm lãi, khoanh nợ, hoãn nợ, cơ cấu nợ, vay vốn mới...
Theo ông Nguyễn Phương Lam, để DN vượt qua khó khăn hiện nay rất cần Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về lãi vay, giảm và giãn nợ cụ thể cho DN trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2021. Chính sách miễn giảm thuế, bảo hiểm xã hội cũng cần được thực hiện, bởi DN không có nguồn thu và khó khăn trong chi trả chi phí duy trì sản xuất. Chính sách giải cứu nguyên liệu nông thủy sản vốn là nguồn lực chính của DN ĐBSCL. Rất cần Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hướng dẫn đối với ngân hàng thương mại để thúc đẩy giải cứu hàng nông sản, thông qua chính sách không lãi suất, tăng hạn mức vay đối với các DN thu mua nông sản của nông dân để tạo điều kiện thu mua kịp thời cho người nông dân...