Đà Nẵng: Tháo gỡ khó khăn sau dịch cho cơ sở công nghiệp nông thôn
Chiều 4/8, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo: “Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh giai đoạn trong và sau thời kỳ dịch bệnh SAR-COVID-19” cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương – Bộ Công Thương và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại – Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp với thực hiện.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Thúy Mai, thời gian qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung của cả nước và trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp, thương mại tại các địa phương trên cả nước.
Trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tại các địa phương, việc tổ chức thực hiện lại các hoạt động xúc tiến thương mại, phân phối hàng hóa là điều rất cần thiết hiện nay. Đây là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, bao gồm các hoạt động như: Khuyến mại, quảng cáo, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, hội chợ, triển lãm thương mại, tiêu thụ sản phẩm ...
“Nhằm giúp các doanh nghiệp ở các cơ sở tháo gỡ khó khăn cụ thể là các giải pháp xúc tiến thương mại, phân phối hàng hóa dành cho các học viên đến từ các cơ sở công nghiệp nông thôn, thông qua Hội thảo, mong các doanh nghiệp tìm được hướng đi mới để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh đi vào ổn định và duy trì phát triển vững mạnh”, bà Mai cho biết.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu thị trường đã cùng đại diện các cơ sở công nghiệp nông thôn tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới.
Cụ thể, hướng dẫn các cơ sở công nghiệp nông thôn quan tâm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua kênh bán hàng trực tiếp và trực tuyến, trong đó xây dựng các phương án phù hợp với từng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Đồng thời quan tâm chất lượng sản phẩm nhưng không quên việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh, mẫu mã sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp trung thực, uy tín, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Để quá trình phục hồi diễn ra có hiệu quả các cơ sở công nghiệp nông thôn cần cân nhắc đẩy mạnh hoạt động thương mại đa kênh |
Cơ sở công nghiệp nông thôn cần chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, thu hút, liên kết đầu tư cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn trong chuỗi giá trị, hình thành tổ hợp sản xuất, hỗ trợ phát triển phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh, phù hợp với điều kiện kinh tế của doanh nghiệp và địa phương. Đặc biệt, phải tập trung nguồn lực đầu tư, tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, logistics.
Tập trung đưa sản phẩm công nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh quảng bá trên các kênh trực tuyến trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Để tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến có hiệu quả, doanh nghiệp cần phải có sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng xuất khẩu với giá thành cạnh tranh; có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá chuyên nghiệp; tích cực cải thiện chất lượng, thứ hạng gian hàng trên các trang, tăng khả năng quảng bá sản phẩm.
Đặc biệt, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt nên cơ sở công nghiệp cần chủ động chuyển đổi số sớm như xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của công ty mình một cách chuyên nghiệp; tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trên thế giới. Đối với các cơ sở công nghiệp có nguồn lực có hạn chế, công tác chuyển đổi số sẽ dễ dàng và ở trong phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn so với các cơ sở lớn, cần nhiều tài nguyên đầu tư.