Khó tiếp cận, doanh nghiệp thụ hưởng còn rất ít
TP. Đà Nẵng có Quỹ Đầu tư phát triển thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn vay vốn lãi suất thấp. Tuy nhiên, để thụ hưởng được chính sách này các doanh nghiệp phải đáp ứng được đầy đủ các quy định về hồ sơ tài chính minh bạch, dự án phải khả thi, có khả năng thu hồi vốn và đặc biệt là phải có tài sản để thế chấp.
Hiên chỉ có rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của thành phố |
Ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng cho biết, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ. Hơn 90% trong số đó đang “kiệt sức” do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Ngoài sự tự lực của doanh nghiệp để phục hồi thì sự “tiếp sức” từ phía Trung ương và địa phương là rất cần thiết để doanh nghiệp có thể vực dậy. Trong đó, thiết thực và cần thiết nhất đối với doanh nghiêp là phải có vốn để tái khởi động sản xuất, kinh doanh.
Do quy mô của doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, đa phần các doanh nghiệp đều vay ngân hàng để phục vụ sản xuất – kinh doanh, tài sản cũng đã thế chấp ngân hàng. Vì vậy, đối với quy định phải có tài sản thế chấp để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của thành phố đối với doanh nghiệp hiện tại là rất khó.
“Trong điều kiện bình thường thì các quy định để tiếp cận vốn vay là hợp lý, nhưng ở thời điểm hiện tại khi liên tục phải tạm dừng hoạt động, doanh thu tụt giảm, gánh nặng vừa duy trì sản xuất vừa phải trả ngân hàng với doanh nghiệp rất lớn, nên việc thế chấp tài sản hiện rất khó thực hiện”, một doanh nghiệp chia sẻ.
Ông Bình cho biết, với những quy định trên hiện mới chí có 2/450 hội viên của Hiệp hội tiếp cận được chính sách với tổng vốn vay 20 tỷ đồng gồm một doanh ngiệp dạy nghề và một doanh nghiệp dệt may. “Doanh nghiệp còn khó trong tiếp cận vốn vay của thành phố mặc dù nguồn vố khá dồi dào”, ông Bình nói.
Theo ông Lê Trường Kỹ - Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ Đà Nẵng nhiều doanh nghiệp tại thành phố 3,4 tháng gần đây đều không có doanh thu (phải ngừng sản xuất) nhưng vẫn phải lo trả lãi ngân hàng. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nhất là vay vốn hiện còn chưa đến thực chất với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng mong chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi sẽ dựa trên "sức khỏe" của doanh nghiệp |
Chính sách hỗ trợ cần kèm điều kiện phù hợp với “sức khỏe” của doanh nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - chi nhánh Đà Nẵng, hiện ngân hàng đã có chính sách cho vay tối đa 2 tỷ đồng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo việc làm cho người lao động. Điều kiện tiếp cận gói là doanh nghiệp có phương án tái sản xuất thông qua đầu tư máy móc, linh kiện, tạo việc làm cho người lao động.
Bà Hoa thông tin thêm, một thuận lợi lớn cho doanh nghiệp tiếp cận gói vay không lãi suất để trả lương cho người lao động và phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đó là đã bỏ tới 2/3 điều kiện, chỉ còn điều kiện người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội nên các doanh nghiệp có thể tham khảo, nộp hồ sơ để được hỗ trợ trả lương cho người lao động.
Ông Võ Minh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã làm việc với các ngân hàng thương mại xử lý linh hoạt, có phương án trao đổi với doanh nghiệp để không chuyển nhóm nợ xấu, tập trung tín dụng hỗ trợ sản xuất – kinh doanh phục hồi sau dịch. Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm việc giảm lãi suất cho vay với các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Hồ Kỳ Minh, hiện Quỹ Đầu tư phát triển thành phố đã mở rộng lĩnh vực cho vay với lãi suất ưu đãi, có phương án cơ cấu gia hạn nợ lên 24 tháng và UBND thành phố đang xin ý kiến của NHNN Việt Nam. Đồng thời Quỹ Đầu tư phát triển đã có tờ trình HĐND thành phố về chính sách cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để phục hồi sản xuất sau đại dịch .
Được biết, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sau dịch Covid – 19, TP. Đà Nẵng dự kiến có chính sách cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ được vay Quỹ Đầu tư phát triển với lãi suất 0% trong 24 tháng; hỗ trợ 30% lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động trong thời gian 3 tháng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistics, công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, để chính sách hỗ trợ này đi vào thực tễ cần kèm theo những điều kiện phù hợp với “sức khỏe” của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại.