Nâng cao hiệu quả sản xuất
Ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk- cho biết: Thông qua các hoạt động của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk, cùng với sự hỗ trợ từ chính sách khuyến công phần nào đã khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn thay đổi tư duy, nhận thức trong việc đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật. Qua đó, hỗ trợ thiết thực trong việc nâng cao năng suất.
Với mong muốn sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo được nhu cầu tiêu thụ của thị trường theo hướng sạch và tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, Công ty TNHH Cà phê RoLak tại xã Hoà Khánh, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng đề án và nhận được sự hỗ trợ máy rang cà phê tiên tiến trong sản xuất cà phê bột với công suất sản xuất 30 kg nguyên liệu/mẻ. Đây là bước tiến lớn trong sản xuất của đơn vị, góp phần giảm nhân công lao động, bảo vệ môi trường.
Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê bột, tại xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk |
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, trong giai đoạn từ năm 2014 – 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Đắk Lắk đã thực hiện được 62 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, trong đó nguồn vốn từ Khuyến công quốc gia có 1 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và 4 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến với tổng kinh phí 1.020 triệu đồng; nguồn vốn từ Khuyến công địa phương có 57 đề án về hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, với tổng kinh phí 5.607 triệu đồng.
“Các đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, giúp cho các cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng các máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, điêu khắc mỹ nghệ, sơ chế nông sản, gia công sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng doanh thu cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp sạch ở nông thôn”, ông Khôi chia sẻ.
Cần có những giải pháp chính sách ưu đãi
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp ứng dụng sản xuất sạch hơn vào sản xuất công nghiệp giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng ngành chế biến thực phẩm, các doanh nghiệp cũng đã chú trọng ứng dụng máy móc thiết bị mới thay thế lao động thủ công như: máy đóng gói tự động, dây chuyền sản xuất tự động. Đồng thời, các doanh nghiệp còn quan tâm ứng dụng máy móc thiết bị mới vào trong sản xuất.
Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn do nhận thức của các doanh nghiệp về lợi ích của sản xuất sạch hơn chưa cao. Nhiều doanh nghiệp cho rằng sản xuất sạch hơn chỉ đơn thuần liên quan đến vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, rào cản kỹ thuật cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến việc sản xuất sạch hơn chưa thật sự đi vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Khôi, hiện nay, đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất còn hạn chế, đặc biệt năng lực tài chính không đủ mạnh nên việc đầu tư công nghệ mới cho sản xuất sạch hơn gặp rất nhiều khó khăn. Và để thúc đẩy quá trình sản xuất sạch hơn đạt hiệu quả, Nhà nước cần có những giải pháp, chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc, vì doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vừa và nhỏ. “Bên cạnh đó, các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp cần mạnh dạn thay đổi để đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường đang ngày phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn”, ông Khôi nhấn mạnh.