Nhiều kết quả đáng ghi nhận trong 5 năm qua
Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk - cho biết, năm 2016, Sở Công Thương đã chủ trì tổ chức 1 hội chợ, triển lãm cấp khu vực hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên với 475 gian hàng tiêu chuẩn, tổng kinh phí hỗ trợ 1.056 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, kinh phí đối ứng là 1.044 triệu đồng.
Ngoài ra tổ chức 11 đề án hỗ trợ 69 cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh tham gia hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước về công nghiệp nông thôn do Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương và UBND các tỉnh chủ trì tổ chức, với tổng số kinh phí khuyến công địa phương là 768 triệu đồng.
Giai đoạn 2021 – 2025, chương trình khuyến công tỉnh Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công |
“Thông qua việc tham gia hội chợ triển lãm đã làm cầu nối trong việc giới thiệu, quảng bá, kết nối cung cầu, phát triển thị trường… cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh sản xuất, chế biến”, ông Khôi chia sẻ.
Trong 5 năm qua, ngành Công Thương Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên theo ông Khôi vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể, công tác tuyên truyền về hoạt động khuyến công còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng nên những thông tin về chính sách khuyến công và hiệu quả về hoạt động khuyến công chưa đến được với các tầng lớp nhân dân; kinh phí dành cho hoạt động khuyến công còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ của các địa phương; có nhiều địa phương cán bộ kiêm nhiệm công tác khuyến công, chưa thành lập mạng lưới cộng tác viên khuyến công nên hoạt động không hiệu quả.
Huy động các nguồn lực phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn
Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk khẳng định, giai đoạn 2021 - 2025, chương trình khuyến công tỉnh Đắk Lắk đề ra mục tiêu sẽ đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm sản và cơ khí phục vụ nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên, nhiên, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương trình khuyến công tỉnh Đắk Lắk đoạn 2016-2020 đã mang lại hiệu quả tích cực cho các đơn vị sản xuất kinh doanh công nghiệp nông thôn, góp phần tăng năng suất lao động, giải phóng sức lao động thủ công, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường phát triển, đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn Đắk Lắk vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
“Kết quả đạt được vừa là thành tựu, vừa là thách thức cho giai đoạn tiếp theo, là động lực để ngành Công Thương Đắk Lắk tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa”, ông Lưu Văn Khôi nhấn mạnh.