Đắk Nông: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chợ biên giới
Đắk Nông có đường biên giới dài khoảng 141 km tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Trong nhiều năm qua, tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội khu vực biên giới luôn được giữ vững, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước nói chung và hai tỉnh Đắk Nông - Mondulkiri nói riêng.
Sở Công Thương xác định đầu tư nâng cấp chợ Đắk Wil đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chợ hạng 3 |
Song song với việc xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, các cơ quan của tỉnh Đắk Nông đã tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới. Trong đó có việc nâng cao cơ sở hạ tầng cho hệ thống chợ biên giới. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán, phát triển thương mại qua biên giới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Theo thống kê của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông, hiện nay, bên phía Campuchia, tại địa phận đối diện khu vực quản lý của 02 Đồn biên phòng 763; 765 thuộc xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông của Việt Nam có gồm 192 hộ người Chàm (tương đương với 728 khẩu) sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, trên diện tích khoảng hơn 500ha. Các hộ dân này bị cô lập về giao thông, giao thương với phía tỉnh Mondulkiri - Campuchia nhưng lại có nhu cầu qua lại trao đổi hàng hóa tiêu dùng bên phía Việt Nam, cụ thể tại địa bàn xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.
Do đó, để tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trên địa bàn xã Thuận Hạnh và nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân giữa hai bên khu vực biên giới, nêu cao tinh thần thân thiện, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng yêu cầu hợp tác giữa tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) thì việc đầu tư xây dựng chợ biên giới tại khu vực xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông là cần thiết.
Trong khi đó, xã Thuận Hạnh hiện chưa có chợ để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trên địa bàn xã Thuận Hạnh; và nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân giữa hai bên khu vực biên giới. Xã cũng chưa có cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở. Do đó, Sở Công Thương Đắk Nông đầu tư xây dựng mới chợ nông thôn xã Thuận Hạnh để trước mắt đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân trong vùng, tương lai sẽ nâng cấp thành chợ biên giới.
Song song với đó, chợ xã Đắk Wil thuộc xã biên giới, huyện Cư Jút, được đầu tư năm 2006 bằng nguồn vốn chương trình 135, đến nay đã bị xuống cấp cần phải đầu tư nâng cấp. Hiện cơ sở hạ tầng chợ đã xuống cấp, xã cũng chưa có cửa khẩu. Sở Công Thương cũng xác định đầu tư nâng cấp chợ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chợ hạng 3 theo quy định.
Những năm gần đây, ngành Công Thương Đắk Nông đã có những khởi sắc. Trong đó, công nghiệp nông thôn của Đăk Nông có bước phát triển nhờ những tác động của công tác khuyến công hay phát triển công nghiệp Alumin, giúp hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại của Đăk Nông, đặc biệt là hạ tầng thương mại còn yếu. Do đó, việc ngành Công Thương kiến nghị với lãnh đạo địa phương các giải pháp phát triển hạ tầng thương mại biên giới được kỳ vọng sẽ giúp tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần hơn nữa vào việc phát triển kinh tế địa phương.