Mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt
Theo báo cáo mới nhất từ Sở Công Thương Đắk Nông, trong tháng 8/2024, tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8/2024 ước đạt 2.217,6 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng 7/2024 và tăng 10,4% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 17.115,2 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả trên có được một phần nhờ sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc mở rộng hệ thống phân phối tiêu thụ hàng Việt.
Hiện nay, hệ thống chợ của tỉnh được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động ổn định, với 46 chợ được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn. Kênh mua bán truyền thống này góp phần đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân ngày càng tốt hơn, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của mỗi địa bàn trong tỉnh.
Điểm bán hàng Việt Nam tại huyện Đắk R'lấp (Ảnh: Sở Công Thương Đắk Nông) |
Hệ thống kênh mua bán hiện đại ở Đắk Nông cũng dần được hình thành và ngày càng phát triển. Đắk Nông hiện có 1 trung tâm thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, đã hoàn thiện giai đoạn 1, đang thực hiện giai đoạn 2; 1 siêu thị hạng II tại TP. Gia Nghĩa; 1 trung tâm phức hợp ở huyện Cư Jút...
Tỉnh đang có trên 10.000 cơ sở bán buôn, bán lẻ phủ kín tới tận vùng sâu, vùng xa thực sự là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa trên địa bàn.
Về hệ thống phân phối thuần Việt, hiện nay, toàn tỉnh hiện có 4 mô hình “Tự hào hàng Việt” tại các huyện Đắk R’lấp, Krông Nô, Tuy Đức và Đắk Mil được đưa vào vận hành. Kết quả cho thấy lượng tiêu thụ hàng hóa tăng 20 - 30% so với thời điểm chưa xây dựng mô hình. Qua việc xây dựng mô hình đã giúp người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, có uy tín, chất lượng và giá cả hợp lý, từ đó hình thành thói quen sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, quảng bá về điểm bán hàng Việt để đông đảo nhân dân biết và tham gia mua sắm.
Đây là những mô hình thí điểm về bán hàng Việt Nam do ngành Công Thương phối hợp với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn triển khai thực hiện. Tại đây có hơn 90% là các sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước.
Việc xây dựng các mô hình này không chỉ giúp đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, mà còn góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Phần lớn các mô hình đều đang phát huy hiệu quả và thu hút dông đảo người dân tới mua sắm.
Song song với đó, Đắk Nông còn đang tăng cường tiêu thụ hàng hoá, đặc biệt là nông sản địa phương thông qua du lịch. Theo đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Hỗ trợ doanh nghiệp và Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông đã kết nối với 63 tỉnh, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp ở địa phương khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP trong nước và các thị trường lớn như Úc, Hàn Quốc, Ý, Ấn Độ...
Theo đó, nhiều doanh nghiệp, lữ hành lớn như: Vietravel, Saigon Tourist, Hòa Bình Tourist… đến Đắk Nông khảo sát tour, tuyến điểm du lịch. Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình famtrip từ đó lên kế hoạch cho các tour, tuyến du lịch tại Đắk Nông. Thông qua đó thúc đẩy tiêu thụ nông sản và các sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Tiếp tục xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam
Thời gian tới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Đắk Nông xác định tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa thông tin tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng nhận thức đúng về khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường thông qua việc tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, tổ chức các đoàn tham gia Hội chợ.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Đắk Nông cũng xác định sẽ tiếp tục triển khai xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam” tỉnh Đắk Nông năm 2024 tại huyện Đắk R’Lấp. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình điểm mua bán hàng hoá phục vụ hoạt động sản xuất tiêu dùng miền núi vùng sâu vùng xa tại huyện Đắk Mil. Đây không chỉ là điểm bán hàng Việt Nam cho người dân và khách du lịch mà còn là điểm quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương cho bà con.
Song song với đó, Sở Công Thương Đắk Nông xác định sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đưa hàng Việt Nam về các huyện miền núi như Đắk Mil, Đắk R’lấp và Tuy Đức, vừa tạo cơ hội tiêu thụ hàng hóa, vừa giúp người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa Việt Nam chính hãng với giá cả phải chăng.