Đối thoại bàn tròn về tầm ảnh hưởng của biến đối khí hậu đối với an ninh nguồn nước |
Đương đầu với những thách thức lớn
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới tiêu nông nghiệp của những nước thượng nguồn đang gây khó khăn cho Việt Nam.
Điều đáng nói, hiện tượng suy thoái đất diễn ra nhanh dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do chất thải hữu cơ và vô cơ, rừng bị chặt phá trái phép, làm thủy điện... làm hạn chế việc điều tiết nguồn nước.
Hiện, đồng bằng sông Cửu Long có 828.000ha đất bị nhiễm mặn, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có gần 2,3 triệu ha bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở. Vùng duyên hải Nam Trung bộ có gần 56.000ha đất bị nhiễm mặn, 759.000ha bị hoang hoá, sa mạc hóa.
Đồng quan điểm trên, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh nhận định, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và khó lường. Nước sông, nước ngầm đã và đang suy giảm đáng kể, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Trong khi đó, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng như sự gia tăng dân số, nhu cầu về nước cho sản xuất, đời sống đang tăng nhanh.
Do vậy, việc tìm cách tiếp cận mới và giải pháp ứng phó với thực trạng biến đổi khí hậu để bảo đảm an ninh nguồn nước là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Quang cảnh buổi hội thảo |
Coi trọng và chủ động tìm kiếm giải pháp khả thi
Tại cuộc đối thoại bàn tròn, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng lưu ý, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới muốn tránh nguy cơ về an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu cần quan tâm giải quyết 4 vấn đề: hệ quả xã hội, kinh tế và môi trường khi lấy nước từ thiên nhiên; quan hệ giữa sử dụng đất và nguồn nước; hệ lụy khi chuyển đổi nguồn nước và sử dụng đất; những vấn đề xã hội khi có sự khủng hoảng nguồn nước.
Tiến sỹ Dirk Pauschert, Giám đốc Chương trình GIZ tại Việt Nam cho biết: GIZ có những dự án đã và đang triển khai tại các đô thị ở Việt Nam để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như bảo vệ nguồn nước. Tiêu biểu như các chương trình chống ngập úng được triển khai từ năm 2012-2016 tại 5 đô thị duyên hải quy mô vừa (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Cà Mau),…
Đề cập đến những giải pháp cụ thể đối với an ninh nguồn nước, GS, TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ và thiện chí giữa các quốc gia để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước. "Chúng ta cần gửi đi và thực hiện tốt thông điệp: Bảo vệ, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững là trách nhiệm của từng cá nhân và của toàn xã hội", TS Trần Đình Hòa nhấn mạnh.
Liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, các đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam cần đảm bảo 3 yếu tố: Chia sẻ thông tin, tạo thị trường sinh lợi nhuận và tạo niềm tin cho doanh nghiệp về tiềm năng của lĩnh vực này, chắc chắn sẽ thu hút sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực bảo đảm an ninh nguồn nước nói riêng và ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung.