Thái Nguyên: Thay đổi phương thức tuyển dụng, đào tạo nghề |
Chìa khóa giảm nghèo bền vững
Bà Nguyễn Thị Thu Dung, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, kết quả giảm nghèo đã được cộng đồng thế giới đánh giá là điểm sáng.
Giáo dục nghề nghiệp có thể giúp các cá nhân và hộ gia đình thoát nghèo bền vững (Ảnh: Cấn Dũng) |
Giai đoạn 2016-2020 giảm hơn 60% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu kỳ, với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với nghị quyết của Quốc hội đề ra.
“Trong thành quả chung đó, công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, có tay nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, sinh kế ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững” - bà Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh, đồng thời thông tin, đã có 38% số hộ nghèo thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ nghề ngắn hạn; 90% sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng nhấn mạnh vai trò của đào tạo nghề cho người nghèo. Nghèo đói có liên quan đến trình độ năng lực của con người. Do đó, kỹ năng và khả năng làm việc góp quan trọng vào giảm nghèo, gắn kết xã hội tốt hơn và ổn định xã hội. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động sẽ giải quyết được vòng tròn luẩn quẩn hiện nay: Nghèo đói - không đi học - không có nghề nghiệp - nghèo đói.
Các cá nhân được đào tạo nghề nghiệp chính quy, bài bản có nhiều khả năng tìm được việc làm chính thức nhiều hơn. Theo đó, ILO cho rằng, các quốc gia triển khai chương trình giảm nghèo nên xem xét tăng cường khả năng tiếp cận nghề nghiệp, khuyến khích giáo dục nghề nghiệp, phát huy hết tiềm năng để giảm nghèo. Đây là bài học kinh nghiệm đã triển khai hiệu quả tại các nước như: Hàn Quốc, Bangladesh...
Ưu tiên nguồn lực nâng cao kỹ năng nghề
Tại Việt Nam, giáo dục nghề nghiệp ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của các hộ gia đình, ảnh hưởng đến tình trạng đói nghèo của các hộ gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều có tương quan với trình độ giáo dục của chủ hộ. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của những hộ có chủ hộ tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chỉ dưới 1% trong khi nhóm chủ hộ chưa học xong tiểu học chiếm tới 26,6%… Vì vậy, để giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, tái nghèo, cận nghèo thì đào tạo nghề là giải pháp căn cơ, hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Dung, Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố Báo cáo tương lai việc làm và báo cáo nâng cao kỹ năng vì sự thịnh vượng chung kêu gọi các chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh các chương trình phát triển dạy nghề ngắn hạn cho người nghèo, vùng nghèo cần đặc biệt quan tâm đào tạo nghề chính quy dài hạn, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao để phát triển bền vững.
Ban Bí thư có Chỉ thị số 37 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đào tạo nhân lực nghề chất lượng cao, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 50 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, nhất là giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 24 và Quyết định số 1363 về phát triển các trường nghề chất lượng cao, đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Tranh thủ thời cơ dân số vàng đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Để góp phần thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao cho phát triển đất nước, góp phần quan trọng và giảm nghèo bền vững, bà Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị, Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung và bố trí vốn đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao; đồng thời, ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các trường nghề ngoài công lập phát triển, góp phần quan trọng vào nguồn lực đào tạo nghề và đào tạo nghề chất lượng cao.
Ngoài ra, đề nghị các ngành, các địa phương cần chú trọng việc dự báo nhu cầu lao động có tay nghề gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, làm căn cứ cho việc đào tạo nghề phù hợp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững, đa chiều, bao trùm trong thời kỳ mới và là một trong những nhân tố quyết định trong việc giảm nghèo bền vững.