CôngThương - Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực TMĐT
Ngày 12/7/2010, Quyết định số 1073/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011 – 2015 đã được ban hành. Kế hoạch đặt ra mục tiêu tổng quát: “TMĐT được sử dụng phổ biến và đạt mức tiên tiến trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Kế hoạch đã ưu tiên việc phát triển nguồn nhân lực về TMĐT, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đạt được mục tiêu trên.
Trên thực tế, trong năm 2010, Cục TMĐT& CNTT đã tiến hành điều tra, khảo sát tại các trường đại học, và cao đẳng trên toàn quốc. Trong số 125 trường, có tới 77 trường đã triển khai hoạt động đào tạo TMĐT, trong đó có 49 trường đại học và 28 trường cao đẳng. Về thời gian triển khai hoạt động đào tạo, có 62 trường đã đưa TMĐT vào giảng dạy từ năm 2007 trở về trước. Từ năm 2008 đến năm 2010, đã có thêm 15 trường đưa TMĐT vào nội dung đào tạo. Trong số 77 trường đã đào tạo, có 3 trường (chiếm 4%) đào tạo TMĐT cho bậc cao đẳng nghề, 52 trường đào tạo TMĐT cho bậc cao đẳng (chiếm 68%), 47 trường đào tạo TMĐT cho bậc đại học (chiếm 61%) và 8 trường đào tạo TMĐT cho bậc sau đại học (chiếm 10%).
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT& CNTT - hiện nay, nhiều DN thuộc các ngành có quy mô kinh tế lớn cũng đang chú trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực TMĐT và CNTT song song cùng tiến trình đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, DN kinh tế hàng đầu thuộc các ngành, lĩnh vực như điện lực, viễn thông, dầu khí, thép, dệt may… đã từng bước hướng tới việc đào tạo nguồn nhân lực TMĐT và CNTT nhằm xây dựng, phát triển các mô hình kinh doanh sử dụng phương tiện điện tử (mạng kinh doanh điện tử).
Phấn đấu đạt chuẩn quốc tế
Tại Việt Nam, ngày càng xuất hiện nhiều các trường đại học quốc tế, các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Đây là nhu cầu cấp thiết của xã hội nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các DN trong và ngoài nước. Trong lĩnh vực đào tạo TMĐT, qua khảo sát cho thấy, các cơ sở đào tạo đều chủ động, tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo hay liên kết đào tạo với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Như ĐH Quốc tế RMIT là đại học 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Trong chương trình đào tạo cử nhân thương mại, cử nhân kinh doanh tại trường, một số môn học TMĐT phổ biến là tin học trong kinh doanh, Internet trong kinh doanh, CNTT trong kinh doanh, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin kinh doanh đang chiếm ưu thế và thu hút đông đảo sinh viên theo học.
Trường Đại học Ngoại thương là một trong những trường đầu tiên tại Việt Nam đã đưa môn học TMĐT vào chương trình đào tạo của các chuyên ngành chính như kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh quốc tế ngay từ năm học 2004-2005. Môn học được giảng dạy đối với các loại hình đào tạo chính quy, tại chức và chuyên ngành với số lượng khoảng 3.000 sinh viên/năm tại cả cơ sở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tại thời điểm này, Trường Đại học Ngoại thương đã phối hợp với trường California State University, Fullerton (CSUF) xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành TMĐT. Đây là một hoạt động tư vấn nằm trong khuôn khổ dự án FTUTRIP nhằm xây dựng chuyên ngành TMĐT.
Theo bà Vũ Thị Minh Hiền- Khoa Quản trị, Đại học Kinh tế Quốc dân - xét cho cùng, để có thể ứng dụng thành công, tận dụng các cơ hội mà TMĐT mang lại, yêu cầu tiên quyết là cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực. Đây chính là một trong những vấn đề đặt ra và đòi hỏi phải được giải quyết đầu tiên đối với các nước muốn phát triển TMĐT.