Để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Xin ông đánh giá về tầm quan trọng của việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đối với hàng hóa Việt trước thềm hội nhập?
Hiện nay, việc ký kết EVFTA là “bàn đạp” để Việt Nam tham gia sân chơi lớn trên thế giới. Song song với đó là yêu cầu về an toàn chất lượng hàng hóa nội địa và hàng xuất sang nước ngoài cũng cao hơn. Các quốc gia trên thế giới luôn có yêu cầu cụ thể về chất lượng sản phẩm thông qua việc quy định áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh đó, một số tổ chức phi chính phủ, hiệp hội bán lẻ còn công bố các tiêu chuẩn riêng của mình nhằm tạo ra những công cụ kỹ thuật quan trọng để quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên thị trường tại nhiều nước công nghiệp phát triển.
Chính điều này đặt ra vấn đề nếu chúng ta muốn hàng hóa nhanh chóng được hội nhập và được đặt trên kệ hàng của các quốc gia thì các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các tiêu chuẩn, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Qua đó sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua được rào cản khắt khe về hàng rào kỹ thuật để tự tin đưa sản phẩm sang các nước lớn trên thế giới như châu Âu, Hoa Kỳ, hay Nhật Bản...
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng |
Ông nhận định như thế nào sự nhập cuộc của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các tiêu chuẩn để thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa? Đồng thời, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã có những hoạt động gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này?
Một thực tế có thể thấy rõ, thời gian vừa qua rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động, tích cực, nhạy bén trong việc tìm kiếm, nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật để đưa hàng hóa xuất khẩu tiếp cận với thị trường mới. Cụ thể như trong thời gian dịch Covid-19, xuất phát từ nhu cầu đồ bảo hộ y tế phòng dịch trên thế giới tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận, tìm hiểu các tiêu chuẩn của các nước như Hoa Kỳ và EU để đầu tư sản xuất khẩu trang, bộ đồ bảo hộ y tế để xuất khẩu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kịp thời tiếp cận với các yêu cầu, quy định mới của quốc tế, chung tay cùng cả nước chống dịch hiệu quả, được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã cung cấp và tổ chức tư vấn miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế như máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, lĩnh vực về quản lý rủi ro, hệ thống quản lý chất lượng nói chung và đặc thù cho ngành y tế nói riêng trên cổng thông tin của Tổng cục.
Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục đang triển khai xây dựng chương trình quốc gia về năng suất chất lượng giai đoạn 2020-2030. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp cách tiếp cận đến các tiêu chuẩn mới, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường năng lực đánh giá sự phù hợp đặc biệt ưu tiên đến hàng hóa xuất khẩu chủ lực nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường, tận dụng cơ hội sản xuất, xuất khẩu trong thời kỳ kinh tế hội nhập như hiện nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Vậy, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn trong bối cảnh hội nhập?
Vấn đề ở đây là phụ thuộc vào mong muốn của mỗi doanh nghiệp, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu xuất khẩu là thị trường nào. Ngoài các yêu cầu chung, sẽ có các yêu cầu riêng đối với mỗi thị trường, do đó, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định từ phía thị trường xuất khẩu. Chúng tôi có mạng lưới thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) mà trong số nhiệm vụ chính của các cơ quan này là hỗ trợ nâng cao nhận thức của cộng đồng, cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp về hàng rào kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của hàng hóa Việt Nam ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Việc còn lại, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, doanh nghiệp cần đầu tư nguồn lực, nâng cao trang thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, điều kiện môi trường sản xuất. Thậm chí thay đổi phương thức quản lý, nâng cao trình độ của cán bộ công nhân viên. Ngoài ra, để doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn hội nhập cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tiếp cận, chứng minh được một cách dễ dàng hơn, với mục tiêu chung là đưa sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt hơn, để không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà người tiêu dùng của các nước trên thế giới cũng hài lòng.
Hiện nay, truy xuất nguồn gốc đang là vấn đề nóng bỏng với các quốc gia trên thế giới, đồng thời, đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã nhanh chóng tiếp cận các yêu cầu của quốc tế về truy xuất nguồn gốc, xây dựng thành các tiêu chuẩn quốc gia. Qua đó phổ biến, thúc đẩy các doanh nghiệp nắm được các yêu cầu của các nước khi muốn xuất khẩu. |
Xin cảm ơn ông!