CôngThương - Cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió tại Việt Nam, với việc chấp nhận giá mua điện từ các dự án điện gió tại thời điểm năm 2011 là 1.630 đồng/kWh, tương đương 7,8 UScents/kWh.
Theo cơ chế này, Nhà nước hỗ trợ giá điện gió với toàn bộ sản lượng điện mua từ nhà máy điện gió là 209 đồng/kWh, tương đương 1 UScents/kWh. Số tiền hỗ trợ này sẽ được lấy từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và sẽ giảm dần, tiến tới chấm dứt khi giá bán điện được thực hiện theo giá thị trường. Phần còn lại của giá mua điện gió theo cơ chế này là 1.421 đồng/kWh, tương đương 6,8 UScents/kWh, sẽ nằm trong biểu giá bán lẻ điện, nghĩa là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - nơi mua buôn điện của các nhà máy điện nói chung - chi trả.
Như vậy, so với mức giá điện bình quân hiện nay là 1.242 đồng/kWh, thì giá bán điện gió đã cao hơn 388 đồng/kWh. Dẫu vậy, với mức giá mua điện gió này, các nhà đầu tư vẫn chưa thể yên tâm để tiến hành phát triển mạnh dạng năng lượng sạch này.
Theo tính toán của Viện Năng lượng cho phương án cơ sở của dự án điện gió với một số thông số cơ bản như quy mô dự án 30 MW (trang bị các tuabin gió có công suất 1,5 MW/tuabin), vận tốc gió 7 m/s, giá bán quyền phát thải khí CO2 là 15 UScents/tấn… và sử dụng công nghệ từ các nước Mỹ và châu Âu, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn IEC về điện gió (nằm trong nhóm các nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu thế giới, có thị phần bán hàng lớn trong 3 năm trở lại đây…), thì suất đầu tư của dự án điện gió là 2.250 USD/kWh. Còn nếu sử dụng công nghệ đến từ Trung Quốc, thì suất đầu tư sẽ là 1.700 USD/kWh.
Với suất đầu tư nói trên, giá điện bình quân quy dẫn là khoảng 10,68 UScents/kWh với thiết bị châu Âu và Mỹ. Còn với thiết bị Trung Quốc, giá bán điện cũng là 8,6 UScents/kWh. Giá bán này cũng được tính tới thời gian hoàn vốn lên tới xấp xỉ 20 năm, thời gian khấu hao thiết bị là 12 năm.
Như vậy, có thể thấy, nếu chỉ trông chờ vào giá bán điện thuần túy thì khó có nhà đầu tư nào can đảm bỏ tiền ra để tham gia cuộc chơi tốn kém của năng lượng sạch, mà nhìn thấy trước là lỗ.
Theo các chuyên gia, với việc phát triển năng lượng sạch, các nhà đầu tư sẽ còn bán được quyền phát thải khí CO2 với giá khoảng 15 Uscents/tấn, tức là khoảng 0,906 UScents/kWh. Như vậy, nếu giá bán điện cho hệ thống được chấp nhận ở mức 6,8 UScents/kWh, thì phần thiếu hụt còn lại để nhà đầu tư cân bằng được chi phí là gần 3 UScents/kWh hoặc 0,9 UScents/kWh tùy theo thiết bị Âu - Mỹ hay Trung Quốc. Để bù đắp thiếu hụt này, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có sự trợ giá của Nhà nước thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường.
Dĩ nhiên, so với cơ chế phát triển điện gió đã được Chính phủ chấp thuận vào cuối tháng 5 vừa qua, mà phần hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường tương đương 1 UScents/kWh, thì cánh cửa cũng đã mở ra phần nào với các chủ đầu tư dự án điện gió, dù chưa đủ.
Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 9 MW điện gió đã được lắp đặt, trong đó có 7,5 MW điện gió của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam tại Bình Thuận đã hòa lưới điện quốc gia từ ngày 22/8/2010. Ngoài ra, có 21 dự án điện gió quy mô nối lưới khác đã và đang được lập các báo cáo nghiên cứu, với quy mô từ 21 MW tới 40 MW. Ở các dự án điện gió nối lưới quốc gia đã có đề xuất mức giá bán điện, thì mức giá cao nhất là 13 UScents/kWh và thấp nhất là 8,08 UScents/kWh. Mức giá này cũng chưa bao gồm thu nhập từ bán chứng chỉ giảm khí phát thải nhà kính.
Bộ Công Thương cho biết, theo dự kiến phát triển điện gió từ nay tới năm 2015 với phương án cơ sở là khoảng 600 MW, thì kinh phí cần để hỗ trợ cho các dự án điện gió bình quân vào khoảng 20 triệu USD/năm.