Cà phê là cây trồng chủ lực của đồng bào dân tộc tại vùng đất cao nguyên
CôngThương - Hơn 90% diện tích và 92% sản lượng cà phê của cả nước được trồng tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông và Gia Lai. Năm 2012, giá trị xuất khẩu của cà phê Tây Nguyên đạt mức kỷ lục, lên tới gần 3,5 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên tiềm năng của cây trồng này vẫn rất lớn nếu được đầu tư cho chế biến sâu và tái canh, mở rộng diện tích cây cà phê giống tốt.
Hàng năm, các địa phương đều mở rộng diện tích trồng cây cà phê nhưng năng suất lại giảm do có quá nhiều cây già cỗi khiến sản lượng không cao. Số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cuối năm 2012 cho thấy: Trong tổng số 614.545 héc-ta cà phê đang sản xuất của cả nước hiện nay có khoảng 86.000 héc-ta cà phê trên 20 năm tuổi chiếm khoảng 17%, cà phê từ 15 - 20 năm tuổi khoảng 140.000 héc-ta chiếm 25% tổng diện tích cà phê. Đối với giống cây, loại cà phê vối chiếm 92,9%; cà phê chè đạt trên 31 nghìn héc-ta chiếm 6%; cà phê mít đạt gần 5.000 héc-ta diện tích cà phê cả nước, chủ yếu trồng bằng cây thực sinh (chiếm 65 - 75% diện tích) là yếu tố hạn chế hiệu quả đầu tư và ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây cà phê.
Diện tích cà phê già cỗi và cần thay thế là rất lớn, tuy nhiên người nông dân lại không có đủ tiền để thực hiện tái canh bởi chi phí bỏ ra khá cao. Anh Xênh ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai (Gia Lai) chia sẻ: Đầu tư cho mỗi héc-ta cà phê phải mất từ 50-60 triệu đồng/năm, nếu muốn tái canh cây cà phê thì chi phí cả trăm triệu đồng nên dù biết cây đã già, sản lượng thấp nhưng nông dân chưa có tiền để trồng mới. Để giải quyết khó khăn cho người nông dân và hơn cả là giúp cho cây cà phê phát triển tốt, mang lại nguồn lợi kinh tế khu vực Tây Nguyên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Bên cạnh việc đã dành hàng ngàn tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực cà phê, từ năm 2013, các ngân hàng thương mại sẽ đầu tư tín dụng để tái canh cây trồng này. Gói tín dụng để tái canh cây cà phê trên địa bàn Tây Nguyên là một trong những nội dung mà Ngân hàng Nhà nước cam kết với Ban chỉ đạo Tây Nguyên tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần 2. Để thực hiện chương trình, Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là ngân hàng chủ lực để triển khai, tổng gói tín dụng giao động khoảng 8.000 - 10.000 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và 2016. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ Agribank bằng nguồn tái cấp vốn từ4.000 - 5.000 nghìn tỷ đồng cho cả vùng Tây Nguyên để có thể đưa mức lãi suất cho vay về mức 10 – 10,5%/ năm (thấp hơn mức lãi suất cho vay thương mại trung và dài hạn thông thường là 2%/ năm).
Hiện thực hóa chủ trương này, UBND tỉnh Lâm Đồng và Agribank đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình, kế hoạch hỗ trợ tín dụng tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2015. Theo kế hoạch, diện tích thực hiện tái canh là 22.982 héc-ta, tổng kinh phí để thực hiện khoảng 4.428,3 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ vay ngân hàng chiếm 70%, vốn đối ứng của người dân chiếm 30%. Nguồn vốn sẽ được dành để tập trung cải tạo, tái canh, trồng mới diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, bị sâu bệnh nặng bằng các giống cà phê cao sản có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời xây dựng vùng cà phê bền vững.