Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời
Hội nghị tổng kết Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức vào ngày 21/10/2020, tại Hà Nội.
Theo Bộ VH-TT&DL, ngày 27/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng nhà văn hóa, câu lạc bộ”. Thực hiện đề án này, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2014 - 2020 (Quyết định số 2549/QĐ-BVHTTDL ngày 15/8/2014).
Báo cáo của Bộ VH-TT&DL cho biết, từ năm 2014 - 2020, các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ học tập cho đông đảo người dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên.
Cụ thể, trong hoạt động thư viện: Phương thức hoạt động được đổi mới theo hướng phát huy nguồn lực thông tin hiện có, mở rộng các dịch vụ mới và đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sách báo; công tác luân chuyển sách và phục vụ lưu động được tăng cường, mở rộng, góp phần đáp ứng nhu cầu đọc, phục vụ việc học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân. Trung bình mỗi thư viện tổ chức hơn 40 đợt luân chuyển, phục vụ lưu động/năm. Nhiều lớp học trang bị kỹ năng sống, kỹ năng công nghệ thông tin, sinh hoạt chuyên đề, khéo tay hay làm dành cho các đối tượng người đọc đã được tổ chức tại thư viện.
Đối với hoạt động bảo tàng, nội dung trưng bày không ngừng sáng tạo. Bảo tàng đã khẳng định vị thế không chỉ là nơi gìn giữ những di sản vật chất và tinh thần về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà còn là trung tâm thông tin, là trường học và là địa chỉ văn hoá của công chúng. Nhiều bảo tàng đã chủ động đưa di sản tới cơ sở thông qua các hình thức triển lãm lưu động, trưng bày chuyên đề, đổi mới hoạt động bảo tàng gắn di sản văn hóa với giáo dục học đường; liên kết với ngành giáo dục thực hiện chương trình “Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông” thông qua các hoạt động: tổ chức sinh hoạt hè, thi tìm hiểu, học tập lịch sử, văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích lịch sử.
Riêng hoạt động của các nhà văn hóa, câu lạc bộ, theo Bộ VH-TT&DL, thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở được đầu tư sửa chữa, xây dựng và ngày càng phát huy hiệu quả; đổi mới, sáng tạo đa dạng về loại hình, cách thức thể hiện, phương thức tổ chức, hướng dẫn hoạt động văn hoá, văn nghệ tại chỗ và lưu động thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; tổ chức nhiều hoạt động văn hoá mang tính chất giáo dục như: các lớp học năng khiếu, hội thi, hội diễn, câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt theo chuyên đề, xây dựng góc đọc sách, báo... từ đó khơi dậy khả năng sáng tạo cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.