Chợ Ninh Hiệp được coi là "thiên đường" vải lậu |
Khó khăn trong công tác quản lý
Ninh Hiệp nổi tiếng với hai nghề truyền thống là buôn vải và sơ chế dược liệu. Tại đây, có khoảng trên 2.000 hộ kinh doanh, trong đó có 265 hộ kinh doanh dược liệu, số còn lại là kinh doanh vải và quần áo. Nguồn hàng này từ các tỉnh phía Bắc (Việt Nam), từ Trung Quốc và Lào chuyển về.
Đối với hàng dược liệu, ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm - cho biết, mỗi ngày có khoảng 20 - 30 xe container chuyển về chợ Ninh Hiệp với khối lượng khoảng 30 tấn dược liệu. Đây là nơi cung cấp dược liệu cho nhiều cơ sở điều trị, sản xuất thuốc y học cổ truyền nhưng phần lớn các hộ kinh doanh, bào chế dược liệu tại đây chưa được cấp phép.
Cần đẩy mạnh phối hợp giữa các lực lượng nhằm "trị và triệt" các đầu nậu lớn, cắt hẳn nguồn hàng lậu từ biên giới các tỉnh là các nhiệm vụ được xác định đẩy mạnh trong thời gian tới, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) nói chung và xã Ninh Hiệp nói riêng. |
Đối với các hộ buôn bán kinh doanh vải và quần áo, hầu hết hàng hóa từ Trung Quốc, qua các cửa khẩu Cao Bằng, Lạng Sơn… theo đường quốc lộ 1A và 1B cũ, vận chuyển về các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh… Sau đó xé lẻ theo các ngõ ngách, đường làng, ngõ xóm vào Ninh Hiệp. Hàng nhiều ghi hóa đơn ít, một đơn hàng khoảng 1.000 cuộn vải, nhưng hóa đơn chính thống chỉ ghi vài trăm cuộn... là những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng để qua mặt cơ quan chức năng. Trong khi đó, do đội ngũ quản lý thị trường mỏng nên việc kiểm soát hàng lậu, hàng giả đi vào Ninh Hiệp từ 7 hướng và trên trục hướng đi ra là rất khó khăn đối với lực lượng chức năng…
Yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng năm 2016, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Gia Lâm nói chung và xã Ninh Hiệp nói riêng đã phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn các quận, huyện khác, đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Theo đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các vi phạm được tăng cường. Lực lượng chức năng cũng yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái… Kết quả, năm 2016 đã có 3.512 hộ kinh doanh xã Ninh Hiệp ký cam kết.
Hiện lực lượng chức năng trên địa bàn huyện cũng đã xây dựng kế hoạch trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại năm 2017. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các vi phạm. Vận động người dân trong hoạt động tố giác đối với các hành vi vi phạm trong buôn lậu và gian lận thương mại…
Ông Thuần cũng kiến nghị, đối với làng nghề sơ chế dược liệu tại Ninh Hiệp, thành phố cũng như Sở Y tế cần tham mưu để tạo hành lang pháp lý, đẩy mạnh quản lý nhà nước theo pháp luật nhằm tạo điều kiện cho bà con kinh doanh ở đây. Đồng thời, cần có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn nguồn hàng vải, quần áo nhập lậu từ biên giới về Ninh Hiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phối hợp kiểm tra, kiểm soát nhằm "trị và triệt" các đầu nậu lớn, tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, ngăn chặn sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả và hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm.