Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
- Bình Định có nhiều vịnh, bãi biển và danh lam thắng cảnh như: Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Hải Giang, Đảo Yến, bãi tắm Hoàng Hậu, Quy Hòa, Bãi Dài, Tam Quan… với cảnh quan thiên nhiên hài hòa, đa dạng, phù hợp với loại hình du lịch sinh thái. Một số vịnh biệt lập, thuận lợi phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Bên cạnh tiềm năng du lịch, Bình Định còn có thế mạnh phát triển hệ thống vận tải biển. Hiện tại, Quy Nhơn có 3 cảng biển hoạt động rất hiệu quả là: Cảng Quy Nhơn (5 triệu tấn/năm), có khả năng đón tàu tải trọng từ 2-3 vạn tấn, cách phao số 0 khoảng 6 hải lý, cách hải phận quốc tế 150 hải lý; Tân Cảng và Cảng Thị Nại (1 triệu tấn/năm). Các cảng này đang tiếp tục nâng cấp để tăng công suất. Ngoài ra, 3 dự án xây dựng cảng đã được triển khai là: Cảng tổng hợp Nhơn Hội (rộng 165ha), Cảng tổng hợp thuế quan (rộng 119 ha) tại Khu Kinh tế Nhơn Hội - tổng công suất của 2 cảng này là 12 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng/năm; Cảng Đống Đa (rộng 5 ha), công suất 1,4 triệu tấn/năm.
Trên địa bàn còn có các cảng cá: Nhơn Châu, Quy Nhơn, Tam Quan, Đề Gi và khu trú đậu tàu thuyền Tam Quan. Trong đó, cảng cá Nhơn Châu có nguồn lợi hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá ngừ đại dương, cá nục, cá trích, cá cơm, cá chuồn, tôm mực cùng các đặc sản quý hiếm (yến sào, cua huỳnh đế, hải sâm...). Tổng số tàu, thuyền gần 8.000 chiếc (trên 2.500 chiếc đánh bắt xa bờ). Sản lượng hải sản khai thác hàng năm của tỉnh khoảng 25.000- 33.000 tấn (chưa kể sản lượng khai thác xa bờ). Dự báo giai đoạn 2011- 2020 khai thác ổn định ở mức 100.000 tấn/năm.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, Bình Định đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển nói riêng và các ngành kinh tế khác nói chung. |
Bình Định có tổng diện tích mặt nước khoảng 10.920ha (không kể 67.000ha mặt biển). Trong đó, đầm Thị Nại 5.060ha, đầm Đề Gi 1.600ha, vùng cửa sông Tam Quan 300ha và một số ao hồ nước ngọt... - là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh có 2.648 ha mặt nước nuôi tôm. Theo quy hoạch của ngành thủy sản, giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 là 2.045 tỷ đồng. Ổn định diện tích nuôi tôm, cua vào khoảng 5.000ha; sản lượng tôm nuôi thu hoạch khoảng 5.000 - 6.000 tấn/năm; kết hợp với sản lượng hải sản đánh bắt - sẽ là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến thủy, hải sản. Bình Định có 4 sông lớn: Lại Giang, La Tinh, Kôn, Hà Thanh, 135 hồ tự nhiên và nhân tạo với tổng diện tích 38.000ha; chuyên dùng để cung cấp nước cho nông nghiệp. Hệ thống mạng lưới các sông suối tập trung nhiều ở miền núi tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thủy lợi và thủy điện. Tổng trữ lượng nước khoảng 5,2 tỷ m2, tiềm năng thủy điện khoảng 182,4 triệu kW. Bình Định đã xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 có xét tới 2015 với mục tiêu 100% số xã có điện, trong đó 97% số xã được cấp điện lưới quốc gia, 98% số thôn có điện. Những năm qua, tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, đầu tư hệ thống trung áp, hạ áp, đến nay 100% xã có điện lưới (trừ xã đảo Nhơn Châu) và trên 99% số hộ dùng điện. Thực hiện việc chuyển đổi mô hình, cấp phép hoạt động điện lực, vận hành lưới điện hạ thế an toàn, áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo giá bán điện đến hộ dân nông thôn.
P.V