Đề án khuyến công quốc gia điểm: Điều chỉnh theo thực tế địa phương
Bình Định, Lâm Đồng là 2 trong số 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên được giao thí điểm triển khai đề án KCQG điểm. Trong đó, Lâm Đồng thực hiện Đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong ngành chế biến cà phê, giai đoạn 2018-2020”. Sau 3 năm triển khai, tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất là 3,4 tỷ đồng và thu hút gần 10 tỷ đồng vốn đối ứng của các doanh nghiệp. Ngoài ra, Lâm Đồng còn tổ chức 6 đợt khảo sát giao thương cho 32 doanh nghiệp chế biến cà phê và thu được 14 hợp đồng, 22 biên bản hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đề án KCQG điểm bước đầu mang lại hiệu quả tốt cho doanh nghiệp |
Tại Bình Định, đã triển khai Đề án “Hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư phát triển chế biến thủy sản trong cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến thủy sản Cát Khánh, huyện Phù Cát giai đoạn 2018 – 2020”. Kết quả, năm 2018 tỉnh triển khai Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới công nghệ mới”, kinh phí 3,5 tỷ đồng; năm 2019, 2020 không triển khai thực hiện.
Theo đánh giá chung từ hai địa phương, đề án KCQG điểm bước đầu mang lại hiệu quả, giúp doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Đề án còn tạo sự cạnh tranh cân bằng, tạo chuỗi liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp, giúp địa phương có định hướng phát triển sản phẩm thế mạnh tránh việc phát triển một cách bộc phát, không ổn định. Đặc biệt, sau khi đề án được phê duyệt trong năm đầu kế hoạch, sẽ được ưu tiên bố trí kinh phí các năm tiếp theo để thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã được nhận diện, triển khai đề án KCQG điểm còn gặp nhiều khó khăn, tại một số địa phương khả năng thực hiện thấp. Nguyên do, các cơ sở CNNT phát triển độc lập, rất khó tập hợp nhiều doanh nghiệp làm đối tượng thụ hưởng đề án; các doanh nghiệp sợ rủi ro không dám đầu tư; mức hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thấp, lại dàn trải qua nhiều năm nên không hấp dẫn.
Mặt khác, đề án KCQG điểm ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế đối tượng là cơ sở, hộ sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, phần lớn các cơ sở CNNT khu vực miền Trung - Tây Nguyên thuộc loại hình cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh, dẫn đến khó khăn trong việc đề xuất, lựa chọn nội dung và đối tượng thụ hưởng.
Với những khó khăn trên, đại diện Sở Công Thương Lâm Đồng, Bình Định cũng như nhiều địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên thống nhất đề xuất: Việc phân nhóm đề án có thể là nhóm chung đối với ngành sản xuất, trong đó mỗi địa phương lựa chọn đề án có ngành sản xuất phù hợp để đề xuất vào nhóm ngành đó. Cục Công Thương địa phương bố trí tập huấn chuyên đề cho nội dung đề án KCQG điểm cho các tỉnh. Xây dựng mẫu đề án bởi đây là nội dung mới.
Đề nghị Cục Công Thương địa phương xem xét có thể bỏ hoặc chỉ áp dụng ở các tỉnh có sản xuất công nghiệp phát triển. Các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tỷ trọng công nghiệp trong GDP còn rất thấp so với bình quân chung của cả nước, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Do vậy, cần có chính sách khuyến công đặc thù riêng đối với đề án điểm, theo đó có thể thực hiện đề án điểm liên kết vùng cho 2-3 tỉnh lân cận; điều chỉnh thời gian thực hiện đề án KCQG điểm từ 2- 3 năm thành từ 1 năm trở lên.
Giai đoạn 2021-2025, Cục Công Thương địa phương định hướng và khuyến khích triển khai đề án KCQG điểm tại mỗi địa phương trên cả nước. |