Gốm mỹ nghệ Đồng Nai- mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao
CôngThương - Cụm làng nghề gốm sứ Tân Hạnh được quy hoạch trên tổng diện tích gần 60 ha từ năm 2003 với mục đích tập trung sản xuất, phát triển ngành nghề tốt hơn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhưng việc quy hoạch “treo” quá lâu khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gốm Đồng Nai rơi vào cảnh lao đao hoặc “giải nghệ”, nhiều cơ sở gốm Đồng Nai chỉ sản xuất “cầm chừng” hơn 10 năm qua. Từ hơn 300 cơ sở sản xuất gốm (tập trung ở thành phố Biên Hòa) năm 2001, đến nay chỉ còn hơn 40 cơ sở, theo đó số lao động cũng giảm còn 30% so với năm 2001.
Đầu tháng 3/2013, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, UBND thành phố Biên Hòa đã tổ chức bàn giao đất thuộc cụm làng nghề gốm sứ Tân Hạnh cho chủ các cơ sở sản xuất gốm (còn 36 đơn vị đăng ký tiếp tục sản xuất), nhưng thực tế đến nay vẫn chưa có cơ sở nào chịu nhận đất.
Ông Châu Minh Nguyện- Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai- cho biết: Nhà nước đã dành hơn 230 tỷ đồng (60%) hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho cụm làng nghề gốm sứ Tân Hạnh, còn lại 40% sẽ do các DN góp dần trong 5 năm, tính từ khi bắt đầu hoạt động. Đây là gói hỗ trợ lớn nhất dành cho ngành gốm từ trước đến nay.
Ông Vòng Khiềng- Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai: “Mong UBND tỉnh Đồng Nai sớm hóa giải những khó khăn của người làm gốm khi di dời về địa điểm sản xuất mới để gốm Đồng Nai sớm hồi sinh và phát triển”. |
Vậy vì sao các cơ sở sản xuất gốm “ngại” vào khu quy hoạch dù đang rất nóng lòng khởi động lại nghề gốm một cách bài bản? Giám đốc Công ty Gốm Việt Nguyễn Văn Tâm cho biết: Nghề làm gốm cần diện tích mặt bằng rộng nhưng phần đất phân cho các công ty hầu hết bị “gọt” bớt, chỉ còn khoảng 50% so với yêu cầu thực tế. Cụ thể, Công ty Gốm Việt cần 10.000m2 nhưng chỉ được cấp 5.000m2, chỉ đủ để chứa nguyên liệu làm gốm, lấy đâu ra nơi để xây lò, làm kho chứa hàng.
Theo chủ trương, cụm làng nghề gốm sứ Tân Hạnh chỉ dành cho nghề gốm, nhưng thực tế, nhiều ngành nghề khác cũng đã được bố trí vào khu vực này, đây cũng là điều bất hợp lý. Ngoài ra, các tiêu chuẩn xả khí thải, khói, nước... cũng chưa có những quy định rõ ràng, vì thế, các cơ sở chuyên làm các mặt hàng gốm đen truyền thống (gốm được làm từ cao lanh và đất sét màu, nung thô, không tráng men) rất băn khoăn, không biết sẽ nung gốm bằng lò củi hay gas (vì loại gốm này phải nung bằng củi mới tạo nên sắc màu đặc trưng)?
Không những thế, vào cụm công nghiệp tập trung với lò nung gas hiện đại, nhân công phải chuyên nghiệp, nên giá thành sản phẩm sẽ phải “đội” lên rất nhiều, đây cũng là mối lo về đầu ra khi các DN về cụm làng nghề gốm sứ Tân Hạnh.